Egypt Israel Oct 2007




Bấm nút "Download Now"
để cài Windows Media Player. 
Windows Media Player 11
Download Now

Windows Media Download Center
 

LTS. "Con Đường Yêu Thương" do Hoàng Quý đúc kết dựa theo dàn bài cuốn "A Simple Path" của Mẹ Têrêsa Calcutta. Cuốn sách này xuất bản năm 1996 tại California và sau đó nhiều người tìm kiếm, nhưng không còn tái bản nữa. Bài viết sau đây là phần mở đầu và đoạn đầu của phần I trong cuốn "Con Đường Yêu Thương" đề cập về Cầu nguyện. Xin cống hiến quý độc giả tác phẩm hữu ích này.

Tuesday, December 14, 2010

Click to play this Smilebox greeting
Create your own greeting - Powered by Smilebox
Create your own greeting card


Merry Christmas and Happy New Year

Thursday, June 16, 2005


Thanh Than Posted by Hello

Wednesday, June 15, 2005


CHANH TOA NHA TRANG Posted by Hello


THANH THAN Posted by Hello

Phần IV: Thành quả của Yêu Thương là Phục Vụ (tiếp theo)

Phần IV: Thành quả của Yêu Thương là Phục Vụ (tiếp theo)


CÁC CỘNG TÁC VIÊN
(Co-Workers)
Từ trước tới giờ, danh từ 'Cộng sự viên' hay 'Cộng tác viên' được sử dụng chung cho ý nghĩa những ai cùng cộng tác với Mẹ Têrêsa trong công cuộc Thừa Sai Bác Ái, trong đó bao gồm cả các linh mục, các nữ tu cùng trong Dòng với Mẹ. Tuy nhiên, trong bài này, danh từ 'Cộng tác viên' được áp dụng cho hàng ngũ giáo dân cộng tác với Mẹ hoặc với Dòng của Mẹ trong công cuộc thừa sai bác ái. Đây là hình thức của loại Dòng Ba như Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Đa Minh... Tinh thần của Vị sáng lập hoặc của Nhà Dòng giờ đây được phổ biến giữa giáo dân sống giữa đời. Những giáo dân này cũng được khuyến khích sống tinh thần khó nghèo, từ bỏ, vâng phục và thánh thiện theo gương các tu sĩ, trong lúc vẫn sống nếp sống trần thế trong gia đình.

Những tu hội đời với lời khấn hay không có lời khấn đều hướng tới sống nếp sống thánh thiện.
Áp dụng vào trường hợp Dòng Thừa Sai Bác Ái, các cộng tác viên cũng đi theo ý hướng và truyền thống của Dòng. Mẹ Têrêsa còn đi xa thêm bước nữa là không giới hạn các cộng sự viên phải là người Công giáo, nhưng có thể là tất cả những ai tin vào Chúa Kitô và còn có thể là người không chung một niềm tin, nhưng cùng một chí hướng phục vụ những người nghèo khổ.

Như vậy mục tiêu của phong trào giáo dân này chính là lan tỏa tình yêu thương trong gia đình, rồi chia sẻ với những người chung quanh và tiến tới thỏa đáng nhu cầu của các phần tử trong cộng đoàn. Giáo dân không còn là lớp người thụ động hoặc thuộc quyền sai phái của hàng giáo sĩ hay của các Dòng Tu, nhưng hơn thế, là những người chủ động giữa trần thế để loan báo Tin Mừng và thực thi bác ái của Chúa Kitô. Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài xâm nhập trần thế rộng lớn hay không, tùy thuộc nhiều nơi thành phần giáo dân đông đảo này. Hơn ai hết, Mẹ Têrêsa đã nắm bắt được yếu tố then chốt này và khai triển thật mạnh mẽ. Lối sống, đường lối linh thao và mục vụ tông đồ của Mẹ đang thấm nhiễm nơi thành phần đông đảo này của Giáo Hội. Chúa Kitô và Giáo Hội trở thành sống động và cụ thể giữa trần thế và trong gia đình nhờ vào thành phần nền tảng xã hội này.

Một Cộng tác viên người Mỹ đã ghi lại những dòng chữ thâm sâu này, “Thật hồng phúc khi nhìn thấy Mẹ Têrêsa đã ảnh hưởng tới những ai muốn hiểu biết và yêu thương Chúa Giêsu, muốn phục vụ Ngài nơi những ai thiếu thốn chung quanh họ. Càng ngày các cộng sự viên này càng thuộc về Chúa Giêsu để Ngài trở thành trung tâm điểm cuộc sống nơi họ. Nhờ lối sống của họ như một Cộng tác viên, trung tâm này mở rộng cửa cho họ.

Trong thành phố này, chúng tôi có tám cộng đoàn Cộng Sự viên, biểu tượng cho các cộng đoàn rải rác khắp đất nước chúng tôi và trên thế giới. Chúng tôi gặp nhau hàng tháng một lần để cầu nguyện và chia sẻ cho nhau... Đó là thời giờ chúng tôi im lặng cầu nguyện với Chúa Giêsu khoảng một giờ, rồi sau đó vui mừng gặp gỡ nhau thân tình như trong gia đình. Và thực sự chúng tôi có cảm nghiệm như một 'gia đình' giữa các Cộng sự viên của Mẹ.

Phần nhiều theo sau các buổi họp của chúng tôi chính là giờ đi công tác phục vụ người nghèo khổ. Chúng tôi cùng đi chung với nhau tới những người thiếu thốn. Chúng tôi tận dụng cả ngày để cầu nguyện và thể hiện tình yêu thương thực sự đối với những ai cô thế và những ai không người săn sóc. Càng ngày các nhóm Cộng tác viên của Mẹ càng thực thi công tác như thế, phối hợp giữa cầu nguyện và phục vụ yêu thương người chung quanh. Còn gì đẹp đẽ hơn lối sống này” (MT. 331).


Một kinh nghiệm sống động: Đại hội thế giới các Cộng Tác Viên

Mẹ Têrêsa kể lại lần Đại hội đáng ghi nhớ này như sau, ”Chúng tôi tổ chức Đại hội kỳ diệu này tại Lippstadt, Đức quốc. Thật đông đảo các Cộng Tác viên đến tham dự từ nhiều quốc gia. Người Đức tổ chức thật tài khéo. Họ sắp xếp các đại biểu cư ngụ tại nhà nhau. Không ai phải đến ở các khách sạn...”

Tại đây Mẹ đã gặp các đại biểu của mười bốn quốc gia, trong lúc con số các Cộng sự viên trên thế giới đã đạt tới mức đáng khích lệ: tám chục ngàn Cộng Sự viên. Các đại biểu về đây để học hỏi và lắng nghe, để tưới mát và tăng cường nhiệt tình cho chính nghĩa phục vụ Chúa Giêsu trong những con người nghèo khổ. Rồi đây họ sẽ trở về quốc gia của họ với một thông điệp mới, nhiệt hứng mới từ chính vị sáng lập. Nhân dịp này Mẹ bầy tỏ niềm tri ân Chúa và trao về họ thông điệp mới, ”Mẹ cám ơn Chúa trước cơ hội huyền diệu được thăm viếng các con nơi đây... Trong cuộc họp mặt này, Mẹ thực sự lớn lên trong tình yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu thương các con và yêu thương mẹ. Chúng ta tụ tập nhau nơi đây để đào sâu đời sống cầu nguyện, vì sứ mệnh của chúng ta là sứ mệnh yêu thương, sứ mệnh xót thương, nhất là ngày nay bao người đang đói khát Thiên Chúa. Mối quan tâm duy nhất của mẹ chính là chúng ta phải trở thành Cộng sự viên của chính Chúa Giêsu.

Một người Thừa Sai Bác Ái chính là người chuyên chở tình yêu Thiên Chúa. Ngày Truyền Tin, sau khi Đức Mẹ vừa tiếp nhận Chúa Giêsu, lập tức Mẹ vội vã lên đường đem Chúa đến với người khác. Chúng ta phải có Chúa trong trái tim nếu chúng ta thực sự muốn trở thành Cộng sự viên của Chúa Kitô. Chúng ta phải tiếp nhận Chúa Giêsu. Chúng ta phải tiếp nhận tình yêu thương của Ngài, lòng xót thương của Ngài và chúng ta cũng phải hối hả lên đường trao cho người khác. Nếu đó không phải là những mối quan tâm của chúng ta, chúng ta ta thực phí phạm thời giờ. Chỉ hoạt động không thôi thực không có lý do tồn tại, nhưng nguyên do hoạt động của chúng ta chính là mang đến cho thế giới hôm nay sự an bình, tình yêu và lòng xót thương. Chúng ta cần tình yêu thâm sâu này, lòng tận hiệp sâu xa với Chúa Giêsu để chúng ta có năng lực đem Ngài đến cho người khác.
........
Mẹ không muốn các con xin người khác cho tiền bạc điều hòa hàng tuần, hàng tháng. Mẹ không cho phép làm như thế tại Ấn Độ. Chúng ta tùy thuộc nơi Chúa Quan Phòng và Mẹ càng không muốn người khác có cảm nghĩ chúng ta chạy theo tiền bạc của họ. Các Cộng sự viên phải tùy thuộc nơi Chúa Quan Phòng. Nếu người ta cho chúng ta, chúng ta cám ơn, nhưng chúng ta đừng tổ chức điều hoà để cứ bắt chúng ta tiêu phí thời giờ vào công việc gây quỹ hoặc kiếm tiền.

Chúng ta đừng quảng cáo, đừng gửi thơ xin tiền hoặc quyên góp, đừng kinh doanh bán lấy tiền. Chúng ta hãy đem tinh thần hy sinh vào cuộc sống của quần chúng. Mẹ nghĩ Chúa Giêsu muốn chúng ta sống như thế và nếu cần, mẹ sẽ nhắc đi nhắc lại như thế. Chúng ta hãy dâng hiến công việc bây giờ để vinh danh Chúa và như thế, chúng ta trở thành dụng cụ của anh bình của tình yêu và của xót thương. (MT. Tr.332-333).


Đại hội tại Roma

Sáu năm sau ngày Đại hội tại Lippstadt, các nhà lãnh đạo và tổ chức của các cơ sở Cộng Tác viên nhóm họp tại Roma. Đây là cơ hội để tất cả các Cộng tác viên duyệt xét lại tình hình của phong trào, giải quyết các khó khăn trong tổ chức và chọn lựa các mạng lưới mới cho những nơi đâu cần thiết và thúc bách mọi người hăng say phục vụ các người nghèo khổ.

Vào năm 1982 này, Mẹ đã tới Roma chúc mừng các đại biểu từ ba mươi hai quốc gia. Đại hội này được coi như buổi họp mặt gia đình. Tổng số các Cộng sự viên lên tới khoảng ba trăm ngàn trên khắp thế giới. Tất cả đều sống tinh thần của Mẹ và của Nhà Dòng.

Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã tới Đại hội chúc mừng và tưởng lệ các đại biểu, ”Tình yêu Chúa Giêsu hiển nhiên trở thành hoạt động tông đồ của Dòng Thừa sai Bác Ái, vì tất cả đều làm việc phục vụ những người nghèo khổ, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những ai vô gia cư, những trẻ mồ côi và những ai nằm hấp hối. Và làm thế nào các con nuôi dưỡng được tình yêu thương đó? Phải chăng các con không tìm thấy tình yêu thương ấy hàng ngày khi tiếp xúc với Thánh Thể, một đại Bí tích của tình yêu Chúa Giêsu?

Các con là những người con thân yêu của cha đã tìm ra con đường giúp đỡ các tu sinh Thừa Sai Bác Ái trong cố gắng yêu thương nhờ cầu nguyện của các con, nhờ khổ đau của các con, nhờ những giúp đỡ vật chất của các con. Những trợ giúp thầm lặng, vô hình là những đóng góp quan trọng trải rộng tình yêu thương nhân danh Chúa Kitô. Cầu Chúa chúc phúc cho công việc trợ giúp quảng đại của các con và nguyện xin Trinh Nữ Maria khuyến khích các con trung thành phục vụ” (MT. tr. 334-335).


CÁC THIỆN NGUYỆN VIÊN
(Volunteers)
Ngoài các nữ tu hoặc nam tu sĩ của Dòng Thừa Sai Bác Ái, ngoài các Cộng Tác viên làm việc có hệ thống, có tổ chức, Mẹ Têrêsa và Dòng Tu của Mẹ còn được nhiều người đến tình nguyện phục vụ các người nghèo khổ. Họ là những người bị cảm kích, bị lôi cuốn trước những hoạt động đầy tình yêu thương, bác ái và thánh thiện của chính Mẹ Têrêsa hoặc của các tu sinh hoặc của các Cộng sự viên, do đó họ tình nguyện tham gia các công tác phục vụ này trong vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc vài năm. Họ là những người thuộc đủ mọi quốc gia như Anh, Pháp, Đức, Úc, Canada, Mỹ, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ... và mọi tôn giáo như Ấn Độ, Bà La Môn, Tin Lành, Phật giáo...

Phần đông họ là những người trẻ, quảng đại, cởi mở. Nhiều người đã tìm thấy Chúa Giêsu và đào sâu nếp sống nội tâm. Phần đông khi trở về sau thời gian phục vụ này, họ cảm nhận được tâm hồn họ trong sáng, hứng khởi, kiên vững nghị lực và đạo đức hơn. Họ đã chứng kiến và thể nghiệm được Tin Mừng của Chúa Kitô thực hiện ngay chính cuộc sống họ. Có những người, lúc đầu đi vào các công tác phục vụ những người hấp hối, phong cùi, trẻ em tàn tật, họ cảm thấy kinh hoàng, ghê sợ, buồn nản, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những ái ngại, những buồn nản của họ trở thành niềm vui vì họ đang tìm thấy Chúa Giêsu ở đó, đang thấy mình trở thành hữu dụng khi biết chia sẻ, biết cho đi và biết nhận lãnh.

Sau đây là một số những kinh nghiệm phục vụ của các thiện nguyện viên:


Chị D.

Vào ngày lễ Giáng Sinh tại trạm hỏa xa Howrah, chúng tôi là một số các thiện nguyện viên từ các xứ sở khác nhau tình nguyện đến giúp đỡ năm hoặc sáu sơ phát mền, quần áo, gạo, bánh kẹo, sữa bột cho các người nghèo khổ. Họ xếp thành nhiều hàng chờ lãnh quà. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhiều người nghèo khổ đến thế. Họ được phát phiếu trước, do đó chỉ có những người thực sự nghèo khổ mới được giúp đỡ, chứ không phải những người ăn mày chuyên nghiệp hoặc những ai trốn việc. Họ đến đây từ sáng sớm, và để khỏi lo lắng bon chen, họ xếp hàng và chờ đợi hàng nhiều giờ. Họ bước tới trật tự, nhận quà và ra về. Có những người mẹ ẵm bế con trên tay, có người cõng con và cũng có những cụ già chống gậy hoặc nhờ con cháu dìu bước.

Chúng tôi làm việc suốt ngày, quên cả ăn uống và cũng chẳng nhận ra mình đã mệt nhoài vì đứng suốt ngày. Chúng tôi cúi xuống trên những khốn khổ của người dân nghèo, chia sẻ những đớn đau và những thiếu thốn của họ. Chúng tôi hẳn mang đến cho cuộc sống họ những đốm lửa bình an, vui tươi và hy vọng là những tặng phẩm của Thánh Thần đang nhen nhúm hạnh phúc trong trái tim họ. Thực tốt đẹp được san sẻ cho họ và chúng tôi đã học được nhiều từ những kiên nhẫn chờ đợi của họ và những tín thác của họ nơi Thiên Ý.

Nhưng rồi giờ phút khổ đau nhất đang đến: còn nhiều người đứng xếp hàng, chờ đợi - có lẽ có một số người không có thẻ cũng đến xếp hàng - Dầu sao, tất cả họ còn đang đứng trước mặt chúng tôi khi chúng tôi không còn gì để phân phát nữa. Không còn gì cả, một chiếc bánh, một cục kẹo, một nắm gạo, một tấm mền để đắp lên những tấm thân già cả, gầy gò vào những đêm lạnh giá, một món quà nào để dỗ con cái... chẳng còn gì ráo trọi. Thật buồn thảm. Với những người chậm chân này, cuộc sống là một chuỗi lắng lo u buồn, họ thất thểu lui bước trong chán ngán, tủi hờn. Còn chúng tôi, chúng tôi nhìn ra một khía cạnh mới của cảnh nghèo khổ: không còn khả năng ban phát cho những ai đang túng thiếu.

Ban đêm, hồi tưởng lại những giờ phút dài dẵng phục vụ, chúng tôi cảm nhận được hạnh phúc đã cho đi chính mình, niềm vui giúp đỡ những ai chúng tôi chưa biết họ, chưa nhìn thấy họ bao giờ và cũng chẳng còn trông thấy họ nữa, những người khác chủng tộc, khác văn hóa, khác ngôn ngữ mà chúng tôi không hiểu. Chúng tôi phục vụ họ trong niềm tin thanh khiết khi nhìn ra họ như những con cái của Thượng Đế, những anh chị em của chúng tôi.

Niềm cảm thông duy nhất với họ chỉ còn là những ánh mắt, những cúi đầu cảm mến và biết ơn chúng tôi. Trong giờ kinh nguyện buổi sáng trong nguyện đường, chúng tôi có thể nghe thấy lời Chúa Giêsu, 'Những gì các con làm cho một người nhỏ bé nhất của Cha, chính là các con làm cho cho Ta đó.', 'Lậy Chúa, làm cho Chúa thật sao, Chúa Giêsu yếu dấu? Có thể như vậy sao?' 'Đúng, làm cho chính Cha đấy'” (MT. tr. 336-337).


Những người trẻ Tây Phương

Tôi đến Ấn Độ với một nhóm trẻ người Pháp để đi tìm Thượng Đế. Chúng tôi nghĩ Đông Phương đúng là địa điểm để tìm thấy Ngài. Chúng tôi đã nghe nhiều về các nhà thần thông Ấn Độ giũ bỏ mọi thứ trần gian để thu nhận được cảm nghiệm của một thực tại duy nhất. Chính vì thế chúng tôi tham dự khoá học chiêm niệm siêu hình dài hàng tháng dưới sự dìu dắt của một vị sãi Ấn Độ.” (MT. tr. 338).

Cũng tương tự thế, nhiều người trẻ từ Mỹ châu, từ Âu Châu đi tìm chân lý, tìm kho tàng khôn ngoan của Đông phương. Có nhiều người thuộc Tin Lành hoặc Công giáo và cả những người vô tín ngưỡng. Một người trong họ than thở, “Tại Tây phương, nhiều tu sĩ nam nữ nói với chúng tôi nhiều về cộng đoàn, về cộng đồng huynh đệ, về các nhu cầu túng thiếu của đệ tam và đệ tứ quốc tế, về chia sẻ và cống hiến tiền bạc, quần áo, lương thực và thuốc men. Nhưng không về Thiên Chúa.”

Nhiều người trẻ đến với Mẹ Têrêsa như thế. Sau khi tiếp xúc và chứng kiến các hoạt động và lối sống của Mẹ cũng như đội ngũ của Mẹ, họ trở thành các tự nguyện viên, “Có nhiều người trở thành những người giúp đỡ cá nhân của Mẹ Têrêsa. Tất cả đều có cơ hội khởi xướng nhóm Cộng tác viên. Và bây giờ các bạn có thể tiếp xúc với Dòng Thừa Sai Bác Ái và nói về tinh thần và những hoạt động của Nhà Dòng khi bạn trở về quê quán” (Mt. tr. 340).

Phần IV: Thành quả của yêu thương là phục vụ

Phần IV: Thành quả của yêu thương là phục vụ
(tiếp theo)


Tình yêu đi vào hành động

Điểm diễn tả nổi bật nhất trong tư tưởng và đường lối hoạt động mục vụ của Mẹ Têrêsa chính là Mẹ diễn tả tình yêu, một tình yêu chủ động, một tình yêu khởi động, một tình yêu đi vào hành động. Yêu với Mẹ không phải là ngồi yên một chỗ suy niệm những thương đau của Chúa, của con người khốn khổ, rồi khóc thương cho Chúa và cho người đồng loại. Yêu với Mẹ cũng chẳng phải là viết sách hoặc rao giảng trên giấy trắng mực đen, hoặc trên bục giảng trong thánh đường hoặc trong phòng hội họp về tình yêu Chúa và yêu thương tha nhân. Yêu với Mẹ thiết thực và hữu hiệu hơn nhiều. Yêu chính là phải theo gót chân Chúa Giêsu đi vào lòng đời để đem Tin Mừng đến cho từng người, đi vào tận hang cùng ngõ hẻm để ủi an và cứu vớt những ai thống khổ.

Còn ai diễn tả tình yêu cứu thế hơn Mẹ Têrêsa, “Cầu nguyện đi vào hành động chính là yêu thương và yêu thương đi vào hành động chính là phục vụ. Hãy cho đi vô điều kiện bất cứ những gì một ai cần thiết trong lúc này. Điểm chính yếu là làm một điều gì đó, dù là nhỏ nhặt, và diễn tả thái độ săn sóc của các con qua các hành động bằng cách cho đi thời giờ. Có khi là làm những việc thuộc lãnh vực thể lý (phục vụ những người đau yếu hoặc hấp hối), có khi là cung ứng những ủi an tâm linh cho những người bị giữ chân trong nhà (những người cảm thấy mình bị cô lập, và cô độc ngay trong gia đình của mình). Nếu một người bệnh tật cần thuốc men, hãy cung cấp thuốc men cho họ; nếu ai cần ủi an, hãy tới an ủi họ.

Chúng ta đều là con cái Thiên Chúa, do đó điều hệ trọng là chúng ta phải biết chia sẻ các tặng phẩm của Ngài. Đừng bận tâm tại sao thế giới xẩy ra nhiều vấn đề như thế - nhưng chỉ cần đáp ứng các nhu cầu của con người. Thiên Chúa đã quá tốt đối với chúng ta: những việc làm yêu thương luôn luôn là phương tiện giúp chúng ta gần gũi với Chúa hơn. Hãy nhìn vào cuộc đời Chúa Giêsu khi Ngài hành động lúc tại thế. Ngài sử dụng cuộc đời Ngài chỉ vào công việc làm điều phúc lợi. Mẹ thường nhắc nhở các nữ tu rằng ba năm Chúa Giêsu sống là ba năm Ngài đi cứu chữa những người bệnh tật và phong cùi, trẻ em và người lớn; và thật đúng như những gì chúng ta đang làm, đang rao giảng Tin Mừng qua các việc làm của chúng ta. Thật là một đặc ân cho chúng ta được phục vụ và đó là việc phục vụ đích thực với tràn đầy từ tâm mà chúng ta đang cố công và cho đi” (ASP, tr.114-115).

Đa số con người, kể cả các tín hữu thường chú tâm vào những việc làm gây được thanh thế, đem lại khen ngợi trước mắt và ít ai tìm đến các hoạt động yêu thương lầm lũi như các nữ tu và các cộng sự viên của Mẹ Têrêsa. Anh Geoff nhận xét thật chính xác, “Rất họa hiếm chúng tôi tìm ra một ai tìm đến săn sóc những người bị bỏ rơi, nhất là trên những xứ sở như Ấn Độ, nơi mà các nhu cầu thật khổng lồ. Các nhà Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi thường là trạm dừng chân cuối cùng cho rất nhiều bệnh nhân đã bị loại bỏ, bị vất ra ngoài lề xã hội” (ASP, tr. 116).

Từ khởi đầu bằng một thân một mình, Mẹ Têrêsa lầm lũi bước vào dòng đời với hai bàn tay trắng đi tìm những người hấp hối và ôm về săn sóc trong ngôi đền bỏ hoang của người Ấn Độ, ngày nay đã có cả hơn 3000 nam nữ tu sĩ và các cộng sự viên trên hơn 80 quốc gia trên thế giới đang tham gia tích cực vào công cuộc Thừa Sai Bác Ái của Mẹ. Các hoạt động Thừa Sai Bác Ái không còn nằm trong một vài lãnh vực từ thiện xã hội như săn sóc các người hấp hối hoặc người phong cùi, nhưng thực sự đã lan ra nhất nhiều lãnh vực như các hoa trái của một cây cổ thụ đang rủ bóng máy yêu thương trên khắp thế giới.

Lucinda Vardey đã hệ thống hóa các hoa trái của tình yêu đi vào hành động của Dòng Thừa Sai Bác Ái như sau:

HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ qua các lớp học ngày Chúa Nhật, các nhóm học hỏi Thánh Kinh, các nhóm Công giáo tiến hành, các buổi viếng thăm các bệnh nhân trong bệnh viện, các viện dưỡng lão và các nhà giam tù.

SĂN SÓC Y TẾ qua các cơ sở phát thuốc, các bệnh viện phong cùi, các trung tâm phục hồi bệnh nhân phong cùi; qua các nhà dành cho các trẻ em bị bỏ rơi, các trẻ em tàng tật cả thể lý lẫn tinh thần, các người bệnh tật và hấp hối, các bệnh nhân bệnh AIDS, các bệnh nhân TB, các trung tâm thiếu dinh dưỡng và các bệnh viện lưu động.

PHỤC VỤ GIÁO DỤC qua các lớp tiểu học trong các khu nhà ổ chuột, các lớp may vá, các lớp thương mại, các lớp thủ công, các vườn trẻ và các chương trình hậu học đường.

CÔNG TÁC XÃ HỘI qua các kế hoạch an sinh xã hội và giáo dục; các nhà giữ trẻ, các nhà dành cho người vô gia cư, nhà cho các bà mẹ không lập gia đình, các điểm trú đêm, các trung tâm kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên.

CÔNG TÁC TRỢ CẤP qua các trung tâm cung ứng thực phẩm và quần áo. Tại đây chúng tôi cung cấp các phần ăn khô, các bữa ăn và các trợ cấp gia đình khẩn thiết.


Những Trung Tâm Bác Ái

Chúng ta vừa thấy những hoạt động của Dòng Thừa Sai Bác Ái thật đa dạng. Mẹ Têrêsa và các đồng sự của Mẹ không từ chối bất cứ một công tác bác ái nào, dù nhỏ bé và hèn hạ nhất. Các nhà bác ái được lần lượt mở ra tại Calcutta, rồi tại nhiều thành phố Ấn Độ và tràn lan tới rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Nơi đây chúng tôi chỉ nhắc đến những nhà bác ái đầu tiên và nổi tiếng nhất như những cơ sở nền tảng cho công cuộc thừa sai bác ái của mẹ và các cộng sự viên đã thực hiện hơn suốt bán thế kỷ vừa qua.


Nhà hấp hối Kalighat
còn được gọi là Nirmal Hriday tại Calcutta. Kalighat chính là trạm nghỉ chân cho các khách hành hương sau khi tới thăm viếng đền Kali. Sau bao cố công đầy quả cảm và gan lì, Mẹ Têrêsa đã tranh đấu với chính quyền cho phép Mẹ được sử dụng cơ sở này săn sóc các người hấp hối ngoài hè pho,á để họ chết xứng đáng như một con người, chứ không phải con vật. Ngôi nhà này hiện nay chứa được khoảng 50 giường cho nam giới và 55 giuờng cho nữ giới.

Thường các bệnh nhân được đưa tới đây là những kẻ vô danh. Sau những lau rửa, ân tình hỏi han, săn sóc ăn uống, những con người khốn khổ này mới hoàn hồn nói ra tên tuổi và những nỗi bất hạnh của mình. Các nữ tu không quên hỏi han từng người theo tôn giáo nào, để sau khi chết, mỗi người được chôn cất theo đúng thủ tục của đạo giáo. Những ai khai mình không theo tôn giáo nào, đều được chôn cất theo thủ tục chôn cất Ấn Độ.

Nữ tu Dolores điều hành trung tâm này tâm sự, “Chúng tôi không hỏi những người này lý do tại sao họ lại sống trên hè phố: chúng tôi không cần tìm hiểu lai lịch họ. Chúng tôi cũng chẳng phán đoán hoàn cảnh nào đã đẩy đưa họ khốn khổ như thế này, vì điều họ mong muốn chính là tìm lại được một chút yêu thương và săn sóc. Thế là họ mãn nguyện. Chúng tôi chỉ biết săn sóc những ai được đưa đến với chúng tôi và Chúa được an nghỉ qua chúng tôi” (ASP, tr., 123-124).

Trước áp lực của một nhóm người đòi trục xuất Mẹ ra khỏi ngôi đền, một giới chức đã trực tiếp tới quan sát ngôi nhà dành cho người hấp hối dưới sự săn sóc của Mẹ và các cộng sự viên. Sau khi quan sát tận tường các hoạt động bác ái đầy tình người tại đây, ông tuyên bố với các người chống đối, ”Tôi hứa sẽ trục xuất người đàn bà này ra khỏi nơi đây, và tôi sẽ thực hiện. Tuy nhiên hãy lắng nghe tôi đây, tôi sẽ chỉ trục xuất bà ra khỏi đây khi mà các bà mẹ và chị em của quý bạn đến làm những việc mà hiện nay các nữ tu đang làm tại nơi đây. Trong đền thờ, quý bạn có các tượng thần bằng đá, nhưng nơi đây quý bạn có một nữ thần bằng người sống động” (MTC. tr., 44). Và thế là những cuộc vận động trục xuất đành tắt ngúm.

Và không ai khác, chính Mẹ Têrêsa đã kể lại giai thoại sau đây, “Vào một buổi sáng, mẹ đang lau rửa cho các bệnh nhân, một vị sãi của đền thờ bước vào quỳ xuống trước mặt mẹ, rồi đứng lên ân cần nói với mẹ, 'Suốt ba mươi năm tôi đã phục vụ Nữ Thần Kali trong ngôi đền này. Giờ đây, Mẹ là Vị Nữ Thần đang đứng trước mặt tôi dưới dáng vóc con người. Hôm nay là ngày vinh dự đặc biệt tôi bái phục Mẹ đang hiện diện trước mắt tôi'” (MTC. tr., 44).


Ngôi Nhà Trẻ Em
còn được gọi là Shishu bhavan tại Calcutta. Săn sóc các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi hoặc tật nguyền cũng là một trong những công tác phục vụ hàng đầu của Dòng Thừa Sai Bác Ái. Các nữ tu khắp trên thế giới thường chăm sóc các trẻ em mồ côi, chính vì đã học với Chúa Kitô bài học yêu thương các trẻ em, ”Ai tiếp đón một trẻ em như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9:36) - ”Cứ để các trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10:14-16).

Tại Calcutta, các trẻ em bị bỏ rơi hoặc vô thừa nhận thường được tìm thấy nơi các thùng rác, hoặc người ta lén mang đến trước tu viện, trước bệnh viện hoặc trước nhà thờ. Có khi chính cảnh sát tìm thấy các em bé này nằm lăn lóc trên hè phố và họ đưa đến cho Dòng của Mẹ. Vào năm 1976, báo chí tại Calcutta đăng hình Mẹ đang ẵm bế một em bế tươi cười. Mẹ nhận trách nhiệm săn sóc năm em bé bị bỏ rơi trong một bệnh viện, rồi tới 102 em sơ sinh cũng bị bỏ rơi như thế sau khi người mẹ sinh nở. Và dần dần từ đó, Shishu Bhavan trở thành ngôi nhà của trẻ em tại Calcutta.

Nữ tu Charmaine Jose và nhiều nữ tu khác đảm trách trung tâm này. Các nữ tu săn sóc khoảng 300 em bé đau ốm hoặc suy dinh dưỡng, hoặc các người mẹ độc thân nhờ trông nom để đi làm. Khu vực ngoại trú của trung tâm thường xuyên có ba bác sĩ chẩn bệnh và phát thuốc cho khoảng 1.000 tới 2.000 bệnh nhân mỗi tuần. Nơi đây còn đặt bàn giấy chuyển giao trẻ em cho những ai muốn nhận con nuôi. Khi lớn lên, các em được gửi đến các trường nội trú tiếp tục học hành, rồi đi làm. Các em còn được giúp đỡ lập gia đình khi khôn lớn. Và cứ thế, nhiều em sống cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Shishu Bhavan còn là trung tâm nấu ăn nuôi dưỡng cho khoảng 1.000 người mỗi ngày. Nhiều người ăn mày thường tìm đến trung tâm này. Ngoài ra, nơi đây còn là nơi giải quyết những trường hợp bất ngờ xẩy đến. Nữ tu Charmaine Jose diễn tả, “Chúng tôi là những con người của hè phố và việc làm của chúng tôi cũng là những việc làm trên hè phố. Chúng tôi cầu nguyện khi đi bộ tới thăm nom các gia đình, ngồi bên cạnh các em bé hấp hối, hoặc mang thuốc đến cho những ai cần kíp. Mội nữ tu trông nom một dẫy phố mỗi ngày để tìm xem chúng tôi có thể làm gì giúp người nghèo khổ. Chúng tôi cũng đi tới các làng mạc nơi thiếu thốn các tiện nghi và mở các trung tâm y tế tại đó. Đôi khi chúng tôi đảm nhận cả 2.500 bệnh nhân một tuần tại những địa điểm đó.

Nhiều nữ tu đã được huấn luyện trở thành y tá, bác sĩ và cứ thế làm việc trong các phòng chẩn bệnh và phát thuốc. Chúng tôi mở trường cho các trẻ em hè phố bị đối xử tàn tệ hoặc bán dâm. Các em thường thiếu thốn thực phẩm, nâng đỡ hoặc thuốc men. Chúng tôi thu lượm các em, rồi dậy dỗ, nuôi nấng, cho ăn mặc và sau đó một thời gian, chúng tôi tìm kiếm các người bảo trợ giúp đỡ các em tới trường học hành và hoàn thành công việc học vấn. Chúng tôi tiếp tục trông nom các trẻ em tật nguyền cả về thể chất lẫn tinh thần. Đa số các em không sống lâu, nhưng những em tới tuổi mười ba, chúng tôi chuyển giao tới các nhà khác của chúng tôi” (ASP, tr. 121-122).


Làng Phong Cùi Prem Nivas
. Ấn Độ, một đất nước nghèo nàn lạc hậu, trở thành miếng mồi ngon cho căn bệnh trầm kha phong cùi hoành hành. Dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa không trực tiếp săn sóc người phong cùi. Tuy nhiên, trên bước đường phục vụ những người nghèo khổ, người phong cùi cũng trở thành khách hàng của nhà dòng. Các nữ tu săn sóc những người phong cùi tại khu vực ngoại ô thành phố Calcutta. Sau khi lệnh thành phố bắt chuyển trại cùi xa khỏi thành phố để khuếch trương đô thị, Mẹ đã thực sự trở thành chủ động lo cho người phong cùi.

Cách đây khoảng hơn năm chục năm, khi bác sĩ người Bỉ, ông Hemeryckx công bố kết quả thử nghiệm là bệnh phong cùi không lây lan như người lo sợ, ông đề nghị một phương thức chữa trị rộng rãi cho mọi người phong cùi vẫn có thể sống tại gia đình và hàng tuần đến các xe lưu động chữa trị bệnh cùi. Dòng Thừa Sai bác Ái đã khởi xướng thiết lập chiếc xe lưu động này dưới gốc cây Titagath, chỉ cách Calcutta vài cây số.

Tổ chức quy mô hơn, Nhà Dòng đã thiết lập làng cùi được đặt tên là Gandhiji Prem Nivas. Đầu tiên nơi đây chỉ là nhữnmg mái nhà lá nghèo nàn, dần dần biến thành ngôi làng với những ngôi nhà xây cất rộng lớn với đầy đủ phòng ốc, bệnh viện, trường học, hồ tắm. Nơi đây không những người cùi sinh sống, nhưng còn tạo ra công ăn việc làm nữa.

Anh Vinod, người đứng điều hành ngôi làng này phát biểu, “Chúng tôi có 1.400 trường hợp phong cùi được điều trị điều hòa hàng tháng và đã có 38.000 người ghi tên nơi đây từ năm 1958... Những người cùi với những dị dạng xấu xí thường trở nên tuyệt vọng và không muốn sống trong xã hội đã khước từ họ. Vì thế, chúng tôi thiết dựng cơ sở này và tạo ra việc làm. Nhờ đó người cùi lấy lại được đức tin, niềm hy vọng và lòng tự trọng trong một thời gian ngắn.

Chúng tôi nhận lãnh những người ăn mày trước đây sống trên vỉa hè hay trạm hỏa xa. Chúng tôi còn nhặt nhãnh các trẻ em nhỏ mắc bệnh này. Cha mẹ các em nói với chúng tôi khi nào các em khá hơn, họ sẽ đưa các em về nhà, nhưng rồi chẳng bao giờ họ làm thế cả. Và như vậy đây cũng là chốn cư ngụ của các em. Khi trưởng thành, các em thường lập gia đình với nhau, tìm việc, làm nhà và chung sống với nhau.

Các bệnh nhận tự làm lấy mọi công việc - từ dậy nhau ăn mặc, chích thuốc và bảo quản nhà cửa. Họ săn sóc lấy nhay. Họ hiểu những khổ đau và khó khăn của nhau hơn chúng tôi. Dĩ nhiên các nam tu sĩ đã được huấn nghệ chữa trị bệnh cùi. Các thầy là những y công cùng trợ lực với các bác sĩ trong công việc mổ xẻ hàng tuần. Tuy nhiên tốt hơn cũng vẫn là các bệnh nhân giao tiếp với nhau.

Chúng tôi sống rất tự túc - chúng tôi trồng rau trái và khi nào dư dật, chúng tôi giúp các nhà khác. Chúng tôi còn biết nuôi cá và chăn nuôi de,â các súc vật khác trong các nông trại nho nhỏ. Ngoài ra chúng tôi còn có những khu vực làm thủ công, thợ mộc, xây cất và máy móc. Có đủ công việc thông thường cho từng người” (ASP, tr., 119-120).

Linh mục Edward Le Jolly đã viết và Mẹ Têrêsa và Dòng Thừa Sai Bác Ái như sau, “Mẹ Têrêsa biết rằng cần đặt niềm tin nơi Thiên Chúa hơn người khác. Người nghèo cần tới niềm hy vọng, cần tới Thiên Chúa. Những ai tước đoạt niềm hy vọng nơi họ, nguồn ủi ai duy nhất của họ, chính là phạm trọng tội đối với nhân loại. Những ai muốn sống tự đủ cho mình, không có khuynh hướng vươn lên chân, thiện, mỹ vô biên, họ hãy sống lấy cho mình họ đi, nhưng đừng cướp giật niềm hy vọng của những ai nghèo khổ.

Mẹ và các nữ tu mang đến cho người nghèo khổ niềm hy vọng, một niềm hy vọng và niềm tin vĩnh cửu nơi Thiên Chúa từ nhân. Các nữ tu trẻ trung, học thức cúi xuống trên các bệnh nhân, lau chùi những thương tích cho họ, mỉm cười với họ, hân hoan chào hỏi họ và chẳng bao giờ dám để lộ một một tính khí nóng nảy hoặc một câu nói khiếm nhã. Tại sao các nữ tu này lại đối xử với những người xa lạ như chính anh chị em ruột thịt của mình? Và các nữ tu làm như thế không phải trong vài ba năm, nhưng trong cả cuộc sống. Những con người đơn thành này không khùng mát và cũng chẳng dễ gì trở thành ”chạm giây”, các nữ tu cũng chẳng mù quáng vì mê hoặc, nhưng tâm trí chân thành của các nữ tu khám phá ra chân lý, các nữ tu là những tấm gương phản ánh tình yêu Thiên Chúa. Như vậy, qua những khổ đau của họ, họ đang tiến đến với Thiên Chúa” (MT, tr. 50).


Lan Rộng Khắp Thế Giới


Tại Ấn Độ
Sau mười năm Tu Hội Thừa Sai Bác Ái được Roma thừa nhận, Mẹ Têrêsa và các nữ tu vẫn tiếp tục họa mình theo gương Chúa Giêsu sống một cuộc sống và chia sẻ những thương đau trong đại cuộc cứu thế. Các nữ tu này đã lắng nghe những Lời thân tình huyền nhiệm từ nơi Ngài, rối từ đó học với Ngài những tư tưởng và ước muốn thâm sâu và chân tình nhất như các môn đệ khi xưa.

Và khi Thánh Thần hiện xuống, Ngài cũng sai các nữ tu lên đường rao giảng Tin Mừng và làm chứng tá cho Tin Mừng của Ngài trên khắp thế giới, nhưng không phải bằng lời rao giảng suông, nhưng bằng chính hành động và bằng cuộc sống của các nữ tu khả ái này. Linh mục Edward Le Jolly đã sánh ví ”Calcutta của Dòng Thừa Sai Bác Ái là một Giêrusalem mới và từ đây là khởi điểm cho công cuộc tông đồ tràn lan đi khắp thế giới. Calcutta trở thành như gốc rễ cây nho cho muôn ngàn ngành nho phát triển và sinh tràn đầy hoa trái bác ái” (MT. tr. 51).

Các chi nhánh của Dòng Thừa Sai Bác Ái đem Tin Mừng đến cho những người nghèo khổ nhất trên khắp thế giới. Đây là dấu hiệu Chúa Cứu Thế đang đến với nhân loại và Nước Trời đang xuất hiện cụ thể giữa các dân tộc 'Tin Mừng được rao giảng cho những người nghèo khổ.'

Khắp Ấn Độ, từ chính quyền cho tới các Giám mục, nhận thức được công cuộc bác ái hiệu lực của các Nữ tu Thừa Sai Bác Ái, các ngài tới xin Mẹ mở các chi nhánh, trước nhất tại Ranchi, rồi Delhi, rồi Jhansi... Rồi trong một buổi lễ Khánh thành một Nhà Trẻ tại Delhi, Thủ Tướng Nerhu và tháp tùng là ông Krishna Menon cũng hiện diện trong buổi lễ, Mẹ Têrêsa đã thuật lại buổi lễ như sau, “Mẹ mời họ bước vào nguyện đường và mẹ quỳ gối cầu nguyện. Nerhu đứng đàng sau mẹ. Krishna Menon bước lên bàn thờ đọc tấm bia và hỏi mẹ ý nghĩa lời nói được ghi trên tấm bia. Rồi tất cả ngồi xuống trên sàn bắt đầu nghi lễ khánh thành. Các trẻ em choàng vòng hoa cho Thủ tướng và dâng lên bó hoa thiêng liêng. Mẹ cắt nghĩa bó hoa thiêng là tất cả những lần cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của các em dâng lên Thiên Chúa để Ngài chúc phúc cho Thủ Tướng. Sau đó mẹ hỏi ông, 'Thưa Ngài, tôi có thể trình bầy về công cuộc chúng tôi đang làm không?' Nehru trả lời gọn gàng, 'Không, thưa Mẹ, Mẹ không cần phải trình bầy, tôi đã biết hết rồi. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi tới đây.' (MT. tr. 52).

Bombay, thủ đô thương mại sầm uất tại Ấn Độ tiếp nhận Mẹ. Và chỉ một năm sau khi đặt địa điểm hoạt động, Đại Hội Thánh Thể tại Bombay đã đón tiếp Giáo Chủ Phaolô VI. Hàng triệu người Ấn Độ đã tuốn ra đường chào mừng vị Giáo hoàng Công giáo. Chính trong dịp này vị Giáo Chủ muốn đi thăm những khu nghèo nàn nhất của thành phố, nhưng chính quyền từ chối vì sợ các cơ quan truyền thống báo chí quốc tế đi theo. Và cuối cùng Ngài xin đi thăm một số cơ sở bác ái, trong đó có cơ sở của Mẹ Têrêsa. Tại đây, với đầy cảm kích, Ngài tặng cho Mẹ Têrêsa chiếc xe hơi Lincoln sang trọng do một ân nhân người Hoa Kỳ trao tặng. Và thế là báo chí quốc tế đăng tải hình Mẹ chụp chung với Vị Giáo Hoàng khả kính và giới thiệu công cuộc bác ái của Mẹ với thế giới.


Tại Venezuela
Địa điểm đầu tiên trên thế giới Mẹ và tu hội của Mẹ được một Giám mục mời tới phục vụ, chính là Venezuela, tại Trung Mỹ. Châu Mỹ La Tinh chiếm một phần hai dân số Công giáo trên thế giới. Tại đây, các nữ tu phải thi hành công cuộc phục hưng đạo giáo thực sự giữa muôn triệu người Công giáo, vì thiếu linh mục và nữ tu nuôi dưỡng đức tin cho họ, chính vì thế hàng ngày Công giáo mất đi rất nhiều tín đồ tại đây. Mẹ nhận lời.

Venezuela trở thành bàn đạp cho Tu Hội của Mẹ tiến vào Trung Mỹ và Nam Mỹ cho công cuộc thừa sai bác ái. Mẹ thiết lập tại Vanezuela 3 địa điểm, rồi sau đó Peru, rồi Columbia, Bolovia, Brasil. Linh mục Jolly tiếp tục nhận định, “Các nữ tu không đến đây với những ý niệm trí thức, cũng chẳng lo lắng thay đổi cấu trúc hoặc phản đối những chính sách trong Giáo hội. Họ đến với các người nghèo khổ với tình yêu thương của Chúa Kitô. Trái tim rộng mở và bàn tay vươn tới. Họ nói với những người dân ở đây bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Hoạt động của họ thật lây truyền và thách thức. Họ chiếm được sự hợp tác của những ai họ tới phục vụ. Họ đem tới nơi đây những ý niệm tôn kính, lịch thiệp và tự trọng với tất cả những ai không biết họ và chưa nhận ra mình đáng kể trước mắt Thiên Chúa và có giá trị với Chúa Kitô” (Mt. tr. 56-57).


Tại Roma
Tại Roma, thủ đô Công giáo, vị Giáo Chủ đã mời tu hội của Mẹ đến phục vụ. Còn gì vinh hạnh hơn cho Mẹ và Tu hội của Mẹ được phục vụ tại đây. Mẹ cảm động nhận lời, “Có nhiều việc phải hoàn thành tại đây, nhiều khu ngoại ô Roma nghèo khổ; nhiều người cần nhận các phép bí tích; nhiều trẻ em không được dậy bảo cầu nguyện, nhiều phong trào chống báng Thiên Chúa tại đây. Chúng ta sẽ sát cánh với vị Giáo Chủ; chúng ta sẽ làm việc dưới bóng đền Thánh Phêrô” (Mt. tr. 57).

Các nữ tu được tiếp đón nồng nhiệt tại đây, chính vì các nữ tu ”sống ở những khu vực ổ chuột, giữa những người nghèo khổ. Các nữ tu đi xin ăn cho người nghèo như những người khất thực tại các chợ búa... Các nữ tu dậy các trẻ em biết cách cầu nguyện và chuẩn bị cho các em tiếp nhận các bí tích. Các nữ tu còn đi thăm viếng những người đau yếu và già cả” (MT. tr. 58).

Từ Roma, tu hội của Mẹ tuyển nhận các tu sinh từ khắp Âu Châu, Phi Châu và Mỹ Châu. Tu hội mở thêm nhà Tập tại Luân Đôn.


Úc Châu
Vào tháng sáu năm 1969, thể theo lời mời của Giám mục Warren, Mẹ đã đặt chân tới Úc Châu lần đầu tiên và cách đó ít lâu Mẹ cùng với năm nữ tu khác thiết lập tại đây một nhà đầu tiên làm việc với các người thổ dân.

Sau đó một năm, nhận lời mời của Tổng Giám Mục Knox tại Melbourne. Mẹ và các nữ tu tới đây thiết lập cơ sở. Lúc đầu các nữ tu cảm thấy như mình thất nghiệp vì không tìm thấy những người nghèo khổ hoặc hấp hối nằm trên hè phố. Các nữ tu trở về với hai bàn tay trắng. Nhưng mẹ bề trên ra lệnh cho các nữ tu đến gõ cửa từng nhà xem họ cần giúp đỡ gì không. Nhìn thấy các nữ tu mặc bộ đồ trắng Ấn Độ không giống ai, lúc đầu họ ái ngại, nhưng dần dần, nhờ thái độ sống đầy chân thành và từ tâm, các nữ tu này chinh phục được sự cảm mến và tin tưởng.

Từ đây các nữ tu thiết lập cơ sở phục hồi những người nghiền rượu và ma tuý. Và tại Đại Hội Thánh Thể tại Melbourne, Mẹ Têrêsa được mời làm một trong ba nhân vật thuyết trình trong đại hội với đề tài: sứ mệnh của mẹ phục vụ Chúa Kitô trong các người nghèo khổ và làm thế nào nhìn ra Chúa đang khổ đau trong các người anh em bất hạnh. Lời nói của Mẹ đã gây được xúc động và xác tín nơi thính giả. Trước khi ra về khỏi Úc Châu, Mẹ đã nhắn nhủ các nữ tu: ”Mẹ không muốn các con trình diễn các phép lạ với không một lòng từ tâm; tốt hơn, mẹ thích các con làm việc sai sót với tấm lòng từ tâm.” (I do not want you to perform miracles with unkindness; rather, I prefer you to make mistakes in kindness) (Mt. tr. 59).


Vùng Trung Đông
Mẹ Têrêsa tới gặp linh mục Jolly với niềm vui sướng tràn đầy, ”Thưa cha, chúng con sắp đi Jordan, miền Trung Đông, gần nơi Chúa sinh trưởng. Các nữ tu sẽ đặt chân tới những nơi đâu Chúa đã đặt chân tới, rao giảng và làm phép lạ. Nơi đâu Chúa chết vì yêu thương con người. Đó không phải một điều kỳ diệu sao?”


Và linh mục Jolly nhận định, ”Trung Đông là cái nôi của ba tôn giáo độc thần lớn: Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo là những tôn giáo chiếm quá bán tín đồ trên khắp thế giới. Các Ngài đã sinh trưởng tại những xứ sở đói khổ, nơi người ta cảm nghiệm được quyền năng và thánh thiện của Thượng Đế. Abraham và Môsê là những tổ phụ của niềm tin, cũng như Mẹ là người đàn bà của niềm tin. “Thiên Chúa giáo, khởi đầu từ Giêrusalem đã bành trướng tới khắp thế giới thành những trung tâm rộng lớn; giờ đây đang trở lại điểm khởi hành qua những nữ tu từ Đông phương” (Mt. tr. 59).

Và sau đó chẳng bao lâu, một lần nữa, Mẹ Têrêsa nhấn mạnh đến sứ vụ lần này với linh mục Jolly, “Thưa Cha, chúng con sắp đi Yemen. Chính thủ tướng của xứ sở này đã mời gọi chúng con. Sau sáu thế kỷ Kitô giáo vắng mặt nơi đây, chẳng còn linh mục, chẳng còn lễ lậy, cũng chẳng còn Bí tích, giờ đây các sơ sắp sửa tham dự Thánh lễ tại đây. Sau sáu trăm năm rồi. Phải chăng đây không là điều kỳ diệu?"

Để đảm bảo lời mời này thật nghiêm chỉnh và đầy thiện chí, thủ tướng chính phủ trao cho Mẹ Chiếc Gươm Danh Dự. Mẹ cười nói, ”Ngài trao cho tôi chiếc gươm sao?” Và ông trả lời, ”Phải, thưa Mẹ, dân tộc này thuộc dòng giống những nhà binh nghiệp hảo thủ. Chính vì thế họ đến tặng Mẹ chiếc Gươm Danh Dự.” Phải chăng đây không là ”chiếc gươm lưỡng cạnh,” đó là Lời Thiên Chúa dùng để đem lại hòa bình cho vùng Trung Đông? (MT. tr. 60).

Phần IV: THÀNH QUẢ CỦA YÊU THƯƠNG LÀ PHỤC VỤ

Hoàng Quý đúc kết

Tình yêu và hoạt động bác ái của Mẹ Têrêsa bắt nguồn và rập theo khuôn mẫu Đức Kitô. "Ngài đã yêu những người thuộc về mình và Ngài yêu cho đến cùng." Thiên Chúa đi vào trần thế mặc lấy thân xác con người suốt 33 năm, chính vì Ngài yêu thương và cứu độ con người. Tình yêu thương của Ngài khởi hành từ Bêlem vào một đêm trời băng giá. Ngài đến giữa lòng đời thống khổ trong khung cảnh nghèo hèn của máng cỏ. Thiên Chúa làm người và cứu thế không sinh ra trong khung cảnh sang trọng huy hoàng, nhưng trong cảnh đời hẩm hiu và vất vưởng như thế đó.

Sinh ra chưa được bao ngày lại đã tất bật lên đường tị nạn nơi đất khách quê người, khi cả một triều vua xông xáo đi tìm giết các hài nhi. Từ Ai Cập trở về, Ngài sinh sống ba mươi năm ẩn dật tại Nagiarét, một ngôi làng quê hẻo lánh, nghèo nàn. Và khi tới thời điểm đi vào lòng đời rao giảng Tin Mừng, Ngài bôn ba, dong duổi khắp nơi chữa lành các tật bệnh, ủi an những người cô thế, thăm nom những ai bị đời bỏ rơi. Và sau ba năm dầy công thi ân cho con người, Ngài bị giới cầm quyền vu khống, bắt bớ, đánh đập và giết chết trên thập giá.

Và tình yêu của Ngài đối với con người còn đi xa hơn thế nữa. Trước khi bước vào cuộc tử nạn, để vĩnh viễn hiện diện với con người và trở thành Bánh Đời Sống cho từng người, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Và Ngài tiếp nhận cái chết không phải bình thường như đa số con người, Ngài nhận lấy cái chết trên thập giá nơi ngọn đồi Calvê để có thể bao quát nhân loại. Ngài giang tay ra từ nơi cao quang đó để như muốn ôm lấy trọn vẹn cả nhân loại. Ngài đã yêu con người tới phanh thây nghiệt ngã nơi cây thập giá. Không còn tình yêu nào cao quý và hùng dũng hơn cái chết yêu thương của Ngài cứu độ nhân loại.

Bài học yêu thương của Ngài vĩ đại và thâm sâu như thế đấy. Nhờ đức tin, chúng ta đã tìm thấy vòng tay yêu thương của Ngài. Và giờ đây không còn phải là thời điểm chúng ta nằm gan lì ở đây để hưởng thụ tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, cũng chẳng phải chúng ta xin thiết kế ba ngôi nhà trên đỉnh Núi Biến Hình như ba môn đệ khi xưa, thành ba pháo đài tạo yên ổn cho cuộc đời tín hữu của mình, nhưng phải theo gương Ngài xuống núi, đi vào lòng đời, bôn ba khắp nơi thể hiện tình yêu của Ngài thành hành động yêu thương. Mẹ Têrêsa đã là một môn đệ thân yêu của Ngài giữa thời đại chúng ta hôm nay để nhắc nhở cho chúng ta, những người tin theo Đức Kitô, chúng ta cũng phải cùng với Chúa Kitô đi vào đời thực thi bác ái, sống đời yêu thương. Hơn ai hết. Mẹ Têrêsa đã diễn tả thật vắn gọn và chính xác tình yêu Kitô giáo là một TÌNH YÊU ĐI VÀO HÀNH ĐỘNG (love in action). Nếu không hành xử yêu thương như thế, chúng ta chỉ là những hạng người nói dối.


Phục vụ Chúa Kitô trong người nghèo khổ

Đi theo đường lối Tin Mừng của Đức Kitô, Mẹ Têrêsa tận hiến trọn vẹn cuộc sống phục vụ người nghèo khổ, "Chúng tôi, các Nhà Thừa Sai Bác Ái khấn giữ lời tuyên khấn đặc biệt với Thiên Chúa đi vào tự do phục vụ những người cùng khổ nhất trong những người nghèo khổ, với tất cả tâm hồn. Chúng tôi không có lợi tức, chẳng có kinh phí nào của Giáo hội, cũng chẳng hưởng lương và tiền tài trợ của chính phủ. Chúng tôi chẳng hưởng được một khoản nào cả. Tuy nhiên, chúng tôi lại phải giao tiếp với hàng ngàn, hàng ngàn và hàng ngàn người và chúng tôi đã chẳng bao giờ dám nói với họ, 'Rất tiếc, chúng tôi cạn hết đồ cung cấp rồi'" (LJ, tr. 114).

Một ông chủ biên báo chí hỏi Mẹ về một số dòng tu không còn trung thành với tinh thần thuở ban đầu của ngày thành lập, vậy dòng Thừa Sai Bác Ái có thể trung thành với mục tiêu lúc ban đầu không? Đây là cơ hội để Mẹ xác nhận, "Lời khấn hứa thứ tư chúng tôi cam kết tự do phục vụ những người khốn khổ nhất trong những người nghèo hèn. Và đây hẳn là điều gìn giữ chúng tôi khỏi hiểm nguy ông vừa nhắc tới. Sứ mệnh của chúng tôi quá rõ ràng và chẳng gây ra một lầm hiểu nào. Những người nghèo khổ họ biết họ là ai và họ ở đâu. Họ là nguyên do cho dòng tu và các hoạt động của chúng tôi. Trong Chúa Kitô, họ là lý do tại sao chúng tôi tồn tại... Chúng tôi được sinh cho họ và cống hiến chính chúng tôi cho họ." (LJ, tr. 131).

Được hỏi về Mẹ có cố công trình bầy một sứ điệp tôn giáo nào qua các hoạt động của Mẹ không? Mẹ thản nhiên đáp lại, "Tình yêu không có một sứ điệp nào khác hơn là chính sứ điệp riêng của mình. Hàng ngày chúng tôi cố công thể hiện tình yêu Chúa Kitô bằng cách thức có thể đụng chạm tới trong mỗi công việc làm của chúng tôi. Nếu chúng tôi có rao giảng, việc rao giảng đó được thực hiện qua các hành động, chứ không phải bằng lời nói. Đó là chứng từ của chúng tôi cho Tin Mừng" (LJ, tr. 132).

Và Mẹ Têrêsa tiếp tục trình bầy cho chúng ta lý do tại sao Mẹ và các cộng sự viên của Mẹ miệt mài phục vụ những người khốn khổ nhất xã hội loài người. Và sau đó Mẹ kêu gọi mọi người, bằng điều kiện của mình, hãy tiếp tay vào đại cuộc cứu nhân độ thế này, "Những người bị giam nhốt trong nhà, những kẻ bất đắc dĩ, những ai không được yêu thương, những hạng say sưa be bét, những người tật bệnh hấp hối, những kẻ bị đời bỏ rơi, những ai đơn độc, những kẻ bị ném ra ngoài lề xã hội và không được ngó ngàng tới, những bệnh nhân phong cùi - tất cả những người đó đều là gánh nặng cho xã hội loài người - họ đã mất tất cả hy vọng và niềm tin vào cuộc sống - họ đã quên mất phải cười như thế nào - họ đã đánh mất cảm xúc của bàn tay ấm áp tình yêu và tình bạn - họ van nài chúng ta tiếp cứu họ. Nếu chúng ta quay lưng lại với họ, chính là chúng ta quay lưng lại với Chúa Kitô, và tới ngày bước sang thế giới bên kia, Ngài sẽ thẩm vấn chúng ta đã nhận ra Ngài trong họ không và chúng ta đã giúp đỡ họ được những gì?

Chính vì thế, mẹ mời gọi mỗi người trong các con - giầu hay nghèo, già hay trẻ - hãy giơ tay ra phục vụ Chúa Kitô trong những người nghèo khổ của Ngài và hãy đem trái tim chúng ta đi vào yêu thương Ngài nơi họ. Họ có thể ở xa hoặc ở gần, họ có thể nghèo khổ vật chất hoặc tinh thần, họ có thể đói khát tình yêu hay tình bạn, họ có thể không hay biết kho tàng yêu thương sung mãn của Thiên Chúa dành cho họ, họ vô gia cư vì mong muốn một ngôi nhà được thiết kế bằng yêu thương trong trái tim các con, và vì tình yêu khởi hành từ gia đình, nên có thể Chúa Giêsu đang đói khát, đang trần trụi, đang ốm yếu hoặc đang vô gia cư trong gia đình các con, nơi những người lân cận các con, nơi quê hương các con hay trong thế giới các con đang sống" (Life in the Spirit).

Bàn về công việc phục vụ thế nào cho hữu hiệu hơn, ông chủ biên báo chí kể trên còn đề nghị Mẹ nên dành các săn sóc cho những trường hợp bệnh nhân có triển vọng sống sót hơn là những trường hợp tuyệt vọng. Mẹ trả lời thế nào về đề nghị này? "Chúng tôi cố công giúp đỡ tất cả những ai cần tới săn sóc, nhưng chúng tôi vẫn dành ưu tiên cho những ai cần thiết giúp đỡ hơn. Chúng tôi không quay lưng lại bất cứ một ai. Không ai bị gạt ra bên lề ý muốn phục vụ của chúng tôi. Trong mỗi khổ đau của những người anh em, chúng tôi như nhìn thấy Chúa Kitô đang khổ đau nơi họ. Cả ngay khi chúng tôi phải giới hạn những săn sóc cho một số người, vì nhu cầu cần thiết hoặc vì phương tiện hạn chế, chúng tôi vẫn nuôi niềm ao ước mở rộng bác ái đến mọi người" (LJ, tr. 122).

Trả lời cho câu hỏi của ông về thái độ các nữ tu có kinh tởm trong những trường hợp khốn khổ cùng kiệt không? Mẹ Têrêsa thản nhiên trình bầy cho ông là các nữ tu đã được đào tạo thế nào khi đi làm những công tác xã hội này, "Phải, công việc chính yếu của chúng tôi là săn sóc những người hấp hối, những ai già cả túng quẫn, những trẻ em mồ côi và cả những anh em phong cùi. Chúng tôi không phủ nhận việc làm của chúng tôi thật cực nhọc trong nhiều trường hợp. Chúng tôi không luôn luôn đảm trách công việc trong những điều kiện thuận thảo. Nhưng chắc chắn một điều, chúng tôi làm việc hiệu quả nơi những người nghèo khổ hơn là với những người giầu sang. Đó là công việc sở trường của chúng tôi. Trong thời gian nhà tập kéo dài hai năm, chúng tôi cống hiến nửa ngày đi làm việc giữa những người nghèo khổ. Các đệ tử hoạt động dưới quyền giám sát của các nữ tu già cả hơn. Rồi trước khi khấn trọn đời, chúng tôi còn dành ra một vài năm phục vụ người nghèo khổ. Công việc của chúng tôi trở thành như thói quen, do đó công việc trở thành dễ dàng hơn, tự động hơn, tự nhiên hơn, tuy nhiên không phải như máy móc" (LJ, tr. 123).

Và sau cùng trả lời cho câu hỏi các nữ tu hoạt động theo một ý nghĩa nào, Mẹ Têrêsa không ngần ngại bộc lộ, "Công việc phục vụ của chúng tôi không chỉ giới hạn vào những thuyên giảm những khổ đau vật chất. Chúng tôi muốn cống hiến tất cả những gì thiết cần để làm thế nào những người nghèo khổ nhất trong những người khốn khổ không cảm thấy mình bị bỏ rơi và nhận ra còn có những người săn sóc cho họ. Chúng tôi muốn làm việc theo một trình độ cao cả hơn: 'Chính Chúa Giêsu một lần nữa đang đi giữa chúng tôi để đem lại thiện hảo cho công việc phục vụ con người'" (LJ, tr. 124).


Nhìn ra Chúa Giêsu đang cải dạng nơi những người nghèo khổ

Đâu là bí quyết để Mẹ Têrêsa và các cộng sự viên của Mẹ có thể phục vụ những người khốn cùng một cách tận tâm và cao thượng như thế, Mẹ Têrêsa là người trả lời chính xác, thâm sâu và cụ thể nhất, "Dĩ nhiên điều đó không dễ dàng nếu thiếu đời sống nội tâm cầu nguyện và tinh thần hy sinh. Điều đó cũng không dễ dàng nếu như chúng ta không nhìn thấy nơi những người nghèo khổ một Chúa Kitô vẫn tiếp tục chịu sầu đau trong cuộc tử nạn. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể cống hiến cho họ bất cứ cái gì, ngoài ra bằng chính chứng cứ tình yêu của chúng ta, nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người họ, dầu họ xem ra kinh tởm thế nào đi nữa" (LJ, tr. 117-118).

Trả lời cho câu hỏi của nhà báo ở trên, "Mẹ có cảm thấy dễ dàng đeo đuổi công việc đang làm không?" Mẹ đáp lại thật thâm sâu và thuyết phục, "Chúng tôi được chỉ dậy ngay từ lúc đầu phải khám phá ra Chúa Kitô dưới vẻ ngụy trang khốn khổ của những người nghèo khó, những ai tật bệnh, những kẻ bị ném vất ra ngoài lề xã hội. Đối với chúng tôi, chính Chúa Giêsu hiện diện qua từng cải dạng này: người hấp hối, kẻ bại liệt, người phong cùi, kẻ tàn phế, trẻ mồ côi. Chính niềm tin đã tạo nên việc làm cho chúng tôi trở thành dễ dàng hơn hoặc ít ra có thể chịu đựng nổi. Những việc làm này đòi hỏi cả việc chuẩn bị đặc biệt lẫn ơn gọi đặc biệt. Nếu không có đức tin, việc làm của chúng tôi trở thành một chướng ngại vật cho đời sống tu trì, vì chúng tôi thường phải bước ngang qua các phỉ báng, các ranh mãnh và cả vô thần nữa ở khắp nơi" (LJ, tr. 119-120).

Sống được thái độ nhìn ra Chúa Kitô cải dạng nơi những người khốn khổ không phải là một chuyện dễ dàng. Đây là một công cuộc phải học hỏi, rèn luyện và xác tín. Mẹ Têrêsa hướng dẫn chúng ta như sau, "Để phục vụ những người nghèo khổ, chúng ta phải yêu thương họ. Để có thể yêu thương họ, trước tiên chúng ta phải hiểu biết họ. Và hiểu biết họ có nghĩa là chúng ta phải hiểu biết Chúa. Như vậy chúng ta phải sống với họ. Và sống với họ có nghĩa là sống với Chúa. Sau cùng, chúng ta phải cho đi trái tim chúng ta để yêu thương họ, đôi tay chúng ta để phục vụ họ. Và như vậy có nghĩa là chúng ta yêu mến Chúa và phục vụ Ngài.

Nhưng mọi chuyện đều phải khởi động từ cầu nguyện. Nếu không cầu xin Chúa cho mình yêu thương, chúng ta chẳng thể nắm vắt được tình yêu và càng không thể ban phát yêu thương cho người khác. Chúng ta phải xác tín rằng phục vụ người nghèo khổ chính là phục vụ Thiên Chúa. Thiên Chúa chính là tình yêu thương. Ngài thương yêu các con và mẹ. Nếu chúng ta yêu thương người khác như Ngài yêu thương chúng ta, điều đó trở thành hiển nhiên rằng Chúa Kitô đang hiện diện nơi những người nghèo khổ và Ngài cô độc (MTC, tr. 221).

Làm sao chúng ta có thể quay lưng khỏi Chúa Giêsu? Mỗi người là một Chúa Giêsu, chỉ có Ngài cải dạng trong những cảnh bần cùng khốn khổ. Đôi khi chúng ta gặp Chúa Giêsu bị liệng ra ngoài và phủ đầy rác rưởi nơi cống rãnh. Đôi khi chúng ta thấy Chúa Giêsu bị nhồi nhét trong ống mương hoặc rên rỉ vì đớn đau hoặc thối tha vì ung nhọt - hoặc cả đến la hét vì nhức nhối gẫy lưng. Những cải dạng sầu khổ nhất càng kêu gọi tình yêu nơi chúng ta nhiều hơn nữa" (SN, tr. 163).

Không ai diễn giảng Tin Mừng sống động, thực tiễn và cụ thể hơn Mẹ Têrêsa. Chính vì thế Mẹ đã là một người sống gần gũi Tin Mừng và thể hiện Tin Mừng thành đạt nhất, "Công việc của chúng ta mời gọi chính chúng ta phải nhìn ra Chúa Giêsu trong mỗi con người. Ngài đã nói với chúng ta Ngài ở trong người đói khổ. Ngài là một người trần trụi. Ngài là một kẻ khát khao. Ngài là hạng người không mái nhà che thân. Ngài là một người đang trong cơn sầu khổ. Tất cả những người ấy là kho tàng của chúng ta đó. 'Họ chính là Chúa Giêsu. Mỗi người trong họ là chính Chúa Giêsu cải dạng trong khốn khổ.' Những tư tưởng vừa rồi réo gọi trong tâm não mẹ. Chúa Giêsu, phủ đầy rác rưởi trong cống rãnh, Chúa Giêsu bị dòi bọ tấn công, Ngài đang gào thét để được cứu vớt" (SV, tr. 57).

Niềm Tin

Hoàng Quý đúc kết

Thành quả của cầu nguyện chính là niềm tin.

Qua những giao tiếp với Thiên Chúa trong những giờ phút cầu nguyện, con người như được chắp cánh, được bay bổng. Sức mạnh của thần linh đã bao trùm con người. Từ đó cơn đói tình thương và ủi an đã được no đủ; cơn khát được hiểu biết và yêu thương đã nguôi ngoai; những khổ đau và lắng lo được giải tỏa.

Qua cầu nguyện, Thiên Chúa không còn là một nhân vật xa lạ, cao quang, hoặc viển vông nữa, nhưng thật gần gũi, thật thân tình, thật yêu thương con người. Trong cầu nguyện, con người không còn phải tin Chúa hiện diện nữa, nhưng như nhìn thấy Ngài, đụng chạm tới Ngài, cảm nghiệm được Ngài. Chính nhờ niềm tin như hữu hình nơi Thiên Chúa này, "Các con mới có thể giúp đỡ người khác bằng những hoạt động yêu thương, và hoa trái của những việc làm này là những siêu ân thánh tràn ngập tâm hồn các con. Và từ đây các con bắt đầu dần dần hướng tâm và ao ước tìm thấy niềm vui yêu mến Chúa" (ASP, tr.43).

"Chúng ta cần những con mắt của đức tin thâm sâu để nhìn ra Chúa trong các thân xác gẫy đổ và nơi những quần áo bẩn thỉu. Dưới những dáng vẻ tiều tụy, Đấng tươi đẹp nhất đang ẩn mình giữa những con người ấy. Chúng ta cần các bàn tay Chúa Giêsu đụng chạm đến các thân thể mang thương tích bằng đau đớn và khốn khổ. Bàn tay chúng ta làm sao trong sạch nếu như chúng ta không đụng chạm đến Thân Thể Chúa Giêsu như linh mục đụng chạm tới Ngài qua hình ảnh tấm bánh trên bàn thờ? Với bao yêu thương, bao tôn thờ và bao niềm tin, linh mục nâng lên cao Vị Chủ Bàn Tiệc Thánh! Với cũng những cảm xúc ấy chúng ta phải có, khi chúng ta nhấc thân xác người bệnh nghèo khổ" (TLC, tr.109).

Mẹ Têrêxa đi theo Chúa không phải bằng niềm tin truyền thống, hoặc như một thói quen thụ động, nhưng bằng những cảm nghiệm và xác quyết,

"Chúa Giêsu là Thiên Chúa của tôi,
Chúa Giêsu là vị Hôn Phu của tôi,
Chúa Giêsu là chính Cuộc Sống tôi,
Chúa Giêsu là Người Yêu duy nhất của tôi,
Chúa Giêsu là Tất cả trong Tất cả
Chúa Giêsu là Mọi Sự của tôi.

Nhờ đó Mẹ không bao giờ biết sợ hãi. Mẹ cùng làm việc với Chúa Giêsu. Mẹ đang làm việc cho Ngài. Và vì làm việc cho Ngài, do đó, kết quả công việc không phải là của mẹ, nhưng là của Ngài. Nếu các con cần tới hướng dẫn, các con chỉ cần nhìn đến Ngài. Cần các con phải phó thác cho Ngài và hoàn toàn trông cậy nơi Ngài. Làm như thế, mọi nghi ngờ đều tan biến hết và tâm hồn các con tràn đầy xác tín. Chính Chúa Giêsu đã chẳng nói sao, 'Nếu không trở nên giống con trẻ, các con không thể đến với Ta'"

"Mẹ chắc chắn các con sẽ hiểu mọi chuyện tốt đẹp hơn, nếu chỉ cần các con 'trở nên' đứa con nhỏ trong bàn tay Thiên Chúa. Các con càng thuộc về Chúa thâm sâu, Ngài lại càng tách biệt Ngài ra khỏi các con. Ngài phải ép buộc làm thế vì Ngài yêu thương các con thật nhiều - vì Ngài trao hiến Chúa Giêsu đã chết cho các con và cho mẹ. Chúa Giêsu thuộc sở hữu Thực Phẩm của các con. Được chất chứa đầy Lương Thực Hằng Sống, các con có thể cho phép mình đói khát. Tình yêu thương cá biệt Chúa Giêsu dành cho các con thật vô hạn, trong lúc những khó khăn bé bỏng các con đang nhìn thấy nơi Giáo hội của Ngài chỉ là hữu hạn. Các con hãy vượt qua hữu hạn bằng vô hạn. Chúa đã tạo dựng các con vì Ngài muốn các con. Mẹ hiểu biết điều các con đang cảm thấy - một sự trống rỗng đen tối khủng khiếp đang bao trùm. Tuy nhiên, Ngài là người vẫn yêu thương các con" (SB, tr. 142).

Sơ Kateri diễn tả niềm tín thác nơi Thiên Chúa thật sống động và cụ thể, "Chúng tôi cố công sống trong hiện tại và không xao xuyến về tương lai, dầu cho soạn thảo chương trình kế hoạch là phần trách nhiệm của chúng tôi. Trong lúc người khác soạn thảo kế hoạch cả hàng năm trước, chúng tôi chẳng bao giờ làm thế. Diễn trình của chúng tôi là phải cố công và cứ thế công việc trôi chảy" (ASP, tr. 45).

Cũng trong chiều hướng tín thác nơi Chúa Quan Phòng, Sơ Theresina diễn tả tâm tư của mình, "Chúng ta đang làm việc cho Nước Trời, chúng ta đã cống hiến cuộc sống cho Nước Thiên Chúa, như vậy dứt khoát Ngài phải là một trong những người hướng dẫn, dìu dắt và cung cấp cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ được phép đánh mất tầm nhìn nơi Chúa Quan Phòng, do đó chúng ta không chứa kho những gì chúng ta cần và chỉ còn biết quản lý tất cả những gì đang đến. Tôi nghĩ chỉ cách thức này chúng ta sẽ nhận được những lời chúc phúc từ nơi Thiên Chúa." (ASP. tr.44)

Nha sĩ Mark, người tận tâm giúp đỡ các sơ tại New York trong nhiều năm qua cũng đã cảm nghiệm được niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Ngày kia vợ ông mang thai và lâm vào tình trạng hiểm nghèo có thể sẩy thai, ông chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm sau đây, "Ý nghĩ bất chợt đến với tôi là tôi phải cầu nguyện cho mẹ tròn con vuông. Rồi tôi lại nhận ra cầu nguyện như thế là sai. Lời cầu nguyện hẳn phải là sức mạnh giúp tôi chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa sắp đặt cho tôi" (ASP. tr.46).

Và Mẹ Têrêsa nhắn nhủ mỗi chúng ta tín thác nơi Chúa, "Hãy để Chúa Giêsu sử dụng các con và chẳng cần hỏi han các con. Chúng ta hãy để Ngài muốn làm gì thì làm nơi chúng ta. Do đó hãy nhận tất cả những gì Ngài cho và cho đi tất cả những gì Ngài lấy với một nụ cười an vui. Hãy nhận lãnh các quà tặng Chúa ban và biết ơn sâu xa. Nếu Ngài ban cho của cải sung mãn, hãy biết sử dụng và cố công chia sẻ với người khác, với những ai chẳng có gì cả. Luôn luôn biết chia sẻ với người khác, vì chỉ với một giúp đỡ nhỏ bé, các con cũng có thể cứu họ khỏi buồn nản. Và đừng lấy nhiều hơn những gì các con cần, chỉ thế thôi. Hãy biết chấp nhận bất cứ những gì xẩy tới" (ASP, tr. 45).

Và sau đây là lời phát biểu thời danh của Mẹ về niềm tín thác nơi Thiên Chúa, mà hầu như cuốn sách nào viết về Mẹ cũng đều trích dẫn, "Vì là Dòng Thừa Sai Bác Ái, chúng ta ở nơi đây để giúp đỡ những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ, dù dưới bất cứ một dáng dấp nào, luôn luôn Chúa Giêsu cải trang khốn khổ như thế. Chúng ta không nhận cả đến một đồng tiền rypee (tiền Ấn Độ) cho công việc chúng ta đang làm, khi chúng ta đang làm việc cho Chúa Giêsu. Ngài săn sóc chúng ta. Nếu Ngài muốn công việc nào đó hoàn thành, Ngài ban cho chúng ta các phương tiện. Nếu như Ngài không cung cấp phương tiện cho chúng ta, chính vì Ngài không muốn công việc đó hoàn thành." (ASP, tr. 46).


Đức tin là tặng phẩm Thiên Chúa trao ban

Đức tin không thể nằm một phía nơi con người cố công kiếm tìm, nhưng hơn thế, đức tin chính là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Ngài thường ban đức tin cho những ai đi tìm kiếm Ngài. Đức tin trở thành nền tảng cho cuộc sống chúng ta. Hơn ai hết, Mẹ Têrêsa nhìn ra chân lý này thật cụ thể và sống động, "Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa. Không có niềm tin, hẳn không còn đời sống. Và mọi việc làm của chúng ta, muốn sinh hoa trái, muốn trở nên tất cả cho Thiên Chúa và muốn tươi đẹp, cần phải được chúng ta thiết dựng trên niềm tin, niềm tin nơi Chúa Kitô, Đấng đã công bố, 'Ta đã đói khát, Ta đã trần trụi, Ta đã yếu đau và Ta đã vô gia cư và các con đã săn sóc cho ta.' Mọi hoạt động của chúng ta phải được xây dựng trên những Lời Nói này của Ngài" (AGFG, tr. 15).

Lý thuyết niềm tin vừa rồi của Mẹ thật thâm sâu và cao cả, nhưng rất tiếc, rất ít người am hiểu và càng ít người đem vào thực hiện trong các hoạt động của mình, kể cả các hoạt động mang tính cách tông đồ. Phải chăng con người ngày nay đã đánh mất, đã thiếu thốn niềm tin? "Đức tin thiếu thốn chỉ vì người ta quá ích kỷ và chỉ tìm kiếm lợi lộc cho chính mình. Nhưng đức tin đích thực phải là tình yêu thương ban phát. Yêu thương và đức tin đi đôi với nhau. Yêu thương và niềm tin bổ xung cho nhau" (AGFG. tr. 16).

"Người ta không biết mình đã đánh mất niềm tin. Nếu người ta xác tín rằng con người đang nằm kia giữa bụi bặm là anh em của họ, mẹ tin chắc họ sẽ thi ân cho người đó. Người ta chẳng hiểu biết thế nào là tình xót thương. Người ta không còn biết đến đồng loại. Nếu họ hiểu biết, lập tức họ nhận ra vẻ cao cả của con người đang nằm trên hè phố và sẽ đem lòng yêu thương. Và tình yêu thương ấy chắc chắn sẽ thúc đẩy họ sắn tay đi vào phục vụ những người khốn khổ này" (AP, tr. 109-110).

Tại Ấn Độ, một số nhân viên chính quyền đến chất vấn Mẹ, "Không phải bà muốn tất cả chúng tôi trở thành các Kitô hữu sao?" Mẹ Têrêsa điềm nhiên trả lời, "Dĩ nhiên tôi muốn trao tặng kho tàng tôi có cho quý vị, nhưng tôi chẳng thể làm được. Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho quý vị can đảm lãnh nhận" (LJ. tr. 100).

Sau đó Mẹ kể lại câu chuyện một lần kia Mẹ dìu được một người từ khu nhà ổ chuột. Toàn thân ông nhơ nhuốc đầy thương tích. Sau khi rửa ráy và lau chùi sạch sẽ, ông cảm kích phát biểu, "Tôi đã sống như một con vật trên hè phố, và tôi sắp chết như một thiên thần, một người được yêu và được săn sóc." Thế rồi gương mặt ông nhoẻn một nụ cười thật tươi tỉnh, sau khi lãnh Bí Tích Xức Dầu từ linh mục. Và Mẹ Têrêsa nhận định, "Tôi tin ông đã nhận được quà tặng Thiên Chúa hằng sống. Ông đã chết trong an bình với không một lời oán than, không một câu nguyền rủa và không một thoáng sợ hãi. Trong mỗi con người đều có một lương tâm nhận biết được điều phải quấy. Mẹ đã tiếp xúc với hàng ngàn anh chị em ngoài Kitô giáo và các con có thể nhìn thấy lương tâm ấy hoạt động trong cuộc sống họ và lôi kéo họ tới Chúa. Trong mỗi người đều hiện tồn niềm đói khát Thượng Đế mãnh liệt, dù cho dáng dấp bên ngoài họ thế nào" (LJ. tr. 100-101).


Đi tìm kiếm niềm tin

Đức tin là một tặng phẩm của Thiên Chúa thật đó, nhưng muốn cảm nghiệm được đức tin thực sự, Thiên Chúa cũng cần con người biết nỗ lực đi kiếm tìm Ngài, "Hãy xin sẽ được, hãy gõ sẽ mở." Đức tin như một dòng sông lưu chuyển hai chiều, như những làn gió thoảng mát cho những ai ngóng đợi. Và Sơ Theresina diễn tả Thiên Chúa ao ước chúng ta hãy tăng trưởng niềm tin, "Đức tin của chúng ta có nghĩa là phải tăng trưởng và trưởng thành. Có lẽ có nhiều người được ăn học tử tế, nhưng đức tin của họ còn nằm ở mức độ thấp kém và họ chẳng thấy ý nghĩa nào trong cuộc sống. Có lẽ không bao giờ họ đọc Thánh Kinh, chẳng bao giờ nhận biết Chúa, và thực tế cũng chẳng bao giờ nhận ra nhân vật lẫy lừng như Ngài và do đó họ
nhìn Thiên Chúa bằng cái nhìn ngờ vực. Với họ, Ngài giống như một quan án hay một người cha nghiêm khắc không muốn cho đời sống họ tươi vui" (ASP. tr. 63).

Các nữ tu đơn sơ này đã thực sự cảm nghiệm được niềm tin qua cầu nguyện và làm việc phục vụ những con người khốn khổ nhất gian trần. Sơ Kateri cũng diễn tả niềm tin theo cùng một chiều hướng, "Người Công giáo hiểu biết 'Niềm tin' như một nhân đức siêu nhiên xâm nhập linh hồn. Nhân đức tin này như một sức mạnh, một năng lực. Ví như nếu chúng ta không có chân, làm sao chúng ta có thể bước đi được. Ví như nếu chúng ta không có mắt, làm sao chúng ta có thể nhìn thấy. Với không niềm tin, chúng ta chẳng thể tin những điều bí nhiệm và nằm ngoài tầm hiểu biết của con người. Các bạn không thể hiểu được các mầu nhiệm niềm tin - dĩ nhiên phải có ý nghĩa. Càng trưởng thành, chúng ta càng cần thấm nhập các mầu nhiệm này, hiểu biết nhiều hơn để các bí nhiệm ấy mỗi ngày mỗi trở thành khả tín. Đức tin là quà tặng của Thiên Chúa và chỉ lớn dần nhờ cầu nguyện, cũng như đức cậy và đức mến - và đó là ba nhân đức chính của đời sống nội tâm" (ASP, tr. 64).

Ngoài cầu nguyện và tìm đến với kho tàng Thánh Kinh, Mẹ Têrêsa cũng như các Cộng sự viên của Mẹ nhận ra niềm tin của con người vào Thiên Chúa sẽ tăng trưởng nhiều hơn, nhờ con người biết tìm đến học hỏi nơi các Thánh nhân, để khám phá ở đó những cảm nghiệm, những chứng nghiệm của các Ngài. Từng lời nói, từng chứng tá của các Ngài là những sức mạnh vô hình nuôi dưỡng niềm tin cho chúng ta. Thánh nữ Têrêsa Nhỏ là biểu tượng cho một niềm tin sống động và dạt dào nhất. Một cõi lòng nào dù cứng cỏi nhất, sau khi đọc hết "Chuyện một tâm hồn" cũng nhận ra tâm hồn mình bị rúng động. Quả thực vị Thánh nhỏ bé ấy đã thực hiện những công việc thật tầm thường nhỏ bé với một tình yêu phi thường và đó là dấu chứng diễn tả một niềm tin thâm sâu nhất.

Rồi những tấm gương trong sáng như Cha Charles de Foucauld sống giữa sa mạc, Thánh Phanxicô đi lặn lội tìm kiếm những người nghèo khổ, Mẹ Têrêsa trên chuyến hành trình về Darjeeling đã nghe thấy tiếng Chúa gọi lên đường phục vụ những con người khốn khổ nhất trần giới. Những vị thánh sống này, dù có vị đã chết, vẫn là những chứng nghiệm cho một niềm tin sống động và hằng tác động niềm tin cho những ai tìm đến. Với một số nhà văn Phật giáo, Mẹ Têrêsa được coi như hình ảnh của một Phật Bà giáng thế độ phúc cho con người. Qua những hình ảnh sống động của các vị đạo hạnh này, niềm tin con người được nuôi dưỡng và phát khởi. Gặp các Ngài trong sách vở, trong phim ảnh, con người như cảm thấy mình chìm ngập trong "cảnh vực thần linh" (Teilhard de Chardin), trong thế giới huyền nhiệm.

Từ những phát khởi niềm tin vừa rồi, con người hãy bắt chước Thánh Augustinô lên đường truy tầm Thiên Chúa bằng cầu nguyện, bằng đọc Sách Thánh, bằng tìm đến các Thánh nhân trong sách vở, bằng trao đổi tâm tư với những người đạo hạnh và bằng những suy tư của chính mình để khám phá và chứng nghiệm được Thiên Chúa đang hiện diện trong trần giới và trong chính cuộc đời mình. Làm thế nào mỗi người có thể phát biểu như Thánh Augustinô, "Tâm hồn tôi hết bồn chồn xao xuyến cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa"

"Trước tiên, bạn hãy đổ đầy chính mình và chỉ sau đó bạn mới có thể ban phát cho người khác. Nhờ hiểu biết chính mình, bạn sẽ sống khiêm tốn hơn và nhờ hiểu biết Thiên Chúa, bạn sẽ sống yêu thương hơn. Đức tin chính là tình yêu đi vào hành động. Quả thực, đức tin thánh thiện của chúng ta chẳng là gì hết ngoài ra phải trở thành tin mừng của yêu thương, biểu lộ tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người và đòi hỏi con người, đến lượt con người cũng phải yêu thương Thượng Đế" (TLOC. tr. 102).


Các cây tự bại và tự thắng
(the trees of self-defeat and of self-realization)
Bàn về niềm tin như một kết của của cầu nguyện, cuốn A Simple Path còn đơn giản trình bầy một bản biểu đồ sau đây:
Cây tự bại
Nơi cành cây:
Trống rỗng - Chán ghét - Hờ hững
Các xung đột giữa các cá nhân Tội ác
Sống tùy thuộc - Nghiền rượu - Nghiền thuốc

Nơi rễ cây:
Sợ hãi - Bất ổn - Bất mãn
Ghen tương - Thù nghịch - Nghi ngờ
Tội lỗi - Thương hại mình

Cây tự thắng
Nơi cành cây:
Có mục tiêu - có lý tưởng - Khỏe mạnh - Vui tươi
Hài lòng - Năng động
Chấp nhận - Đáp ứng - Sáng tạo

Nơi rễ cây:
Bác ái - Thân tình - Tha thứ
Yêu thương - Biết ơn - Nhân ái
Nồng ấm - Tín thác (ASP, tr. 69).


Bản biểu đồ vừa rồi nói với chúng ta những gì? Phải chăng bản biểu đồ diễn tả nơi những thể hiện bên ngoài của con người như những cành cây với thái độ sống của họ "trống rỗng, chán ghét, hờ hững...," chắc chắn phải phát xuất từ một nội tâm, như những rễ cây tràn đầy "sợ hãi, bất an, bất mãn..." Và như vậy, những con người này tự tạo cho mình những thất bại. Những thất bại này phát xuất từ một tâm hồn thiếu niềm tin.

Và ngược lại, những ai sống thể hiện ra bên ngoài với thái độ sống như "có mục tiêu, có lý tưởng, an vui, năng động...," chắc chắn nội tâm của họ được đan kết bằng những rễ cây của "bác ái, của yêu thương, của nhân ái..." Những rễ cây này biểu hiện một tâm hồn biết thắng vượt chính mình nhờ sức mạnh của niềm tin.

Và như vậy niềm tin như một trụ cột vững chắc cho những ai biết sống vượt thắng được chính mình. Sống có đức tin, con người sống vươn về cao cả và thắng lợi. Ngược lại, sống thiếu niềm tin, con người sống cuộc sống vô định, khổ sở và chìm ngập thất bại.


Sống niềm tin

Qua thinh lặng và cầu nguyện, Mẹ Têrêsa đã tìm gặp được Chúa Kitô, cảm nghiệm được Ngài và sống giao hòa với Ngài. Hơn thế nữa, niềm tin của Mẹ không chỉ còn nằm trong lãnh vực trừu tượng hoặc cảm tính, nhưng đã đi vào hoạt động yêu thương cụ thể và qua đó truyền đạt niềm tin này tới tất cả những ai Mẹ gặp trên các nẻo đường đời. Mẹ đã trở thành Bánh Niềm Tin phân phát cho mọi người, người khốn khổ cũng như người may mắn, người Công giáo cũng như anh chị em ngoài Kitô giáo. Niềm tin của Mẹ rực sáng và bốc cháy mọi người chung quanh.

Niềm tin vào Chúa Kitô, biết bao người đã tìm gặp và cảm nhận được, nhưng trên thực tế, mấy người đã duy trì và nuôi sáng thêm từng ngày từng giờ? Như ống đo nhiệt độ, nhiều người, qua những buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, hành hương, những khóa tĩnh huấn..., niềm xác tín của họ nơi Chúa Kitô đã dâng lên tới 90 độ, 80 độ, 60 độ..., nhưng chỉ sau một vài tuần lễ xuống núi, nhiệt độ này đã xuống dưới trung bình. Và có người, sau một hai năm, đã xuống dưới 0 độ. Đâu là lý do tạo ra hố cách biệt quá dài rộng này?

Mẹ Têrêsa đã trả lời cho chúng ta thật rõ ràng. Niềm tin không những của Mẹ, nhưng còn của tất cả các nam nữ tu sĩ của Dòng Thừa Sai Bác Ái vẫn mỗi ngày rực sáng mạnh mẽ hơn nhờ các phương thế sau đây, "Cuộc sống của chúng ta được đan dệt thật nhiều bằng Thánh Thể. Chúng ta đặt niềm tin thâm sâu nơi Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhờ niềm tin này, đâu còn gì khó khăn để nhìn ra Chúa Giêsu và đụng chạm tới Ngài đang cải dạng trong những con người nghèo khổ sầu thảm... Chiếc áo Sari (của giới cùng đinh Ấn Độ) là biểu hiện của con người đã cúng hiến cho Thiên Chúa. Đó còn là dấu hiệu của tấm lòng trong trắng và trung trinh thuộc về Thiên Chúa.... Cầm cỗ chuỗi trong tay còn là việc bảo vệ, là sức mạnh và trợ lực mãnh liệt nữa.

"Thánh Lễ là lương thực tâm linh nuôi dưỡng mẹ. Với không lương thực này, mẹ chẳng thể trải qua một ngày hoặc một giờ trong đời mẹ. Trong Thánh Lễ, mẹ nhìn ra Chúa Giêsu dưới hình dáng tấm bánh, trong khi đó, nơi các khu nhà ổ chuột, chúng ta nhìn ra Chúa Giêsu và đụng chạm tới Ngài nơi các thân xác tàn tật và nơi các trẻ em bị bỏ rơi" ((ML = My life for the poor, tr,22-23; 96).

Niềm tin của Mẹ và các nữ tu sống động và cụ thể như thế đó. Chúa Giêsu không chỉ còn là Chúa Giêsu hiện diện trong Nhà Tạm, trong Thánh Đường hay nơi những trung tâm Tĩnh Tâm Cầu Nguyện, nhưng Ngài còn mang vác khổ đau trong những con người khốn khổ, bất hạnh. Làm thế nào nhìn ra Ngài ở đó và sắn tay phục vụ Ngài, đó là đức tin đích thực và sống động? Đức tin không đi vào hành động, đi tới thể nghiệm chính là đức tin câm lặng, héo mòn và lịm chết dần trong tâm hồn người tín hữu.

Sau đây là bản thánh ca Mẹ rất yêu thích và cuộc đời Mẹ cũng như các cộng sự viên của Mẹ đã trở thành bản thánh ca rộn rã này suốt cả ngày sống,

"Lậy Chúa, tình yêu con hiến dâng Chúa,
Chỉ là hình bóng của tình yêu Chúa dành cho con,
Một tình yêu cư ngụ thâm sâu.

Lậy Chúa, niềm tin của con nơi Chúa,
Chỉ là bóng dáng của niềm tin Chúa dành cho con,
Một niềm tin tín thác và sâu thẳm.
Cuộc sống của con nằm trong tay Chúa.

Lậy Chúa, tình yêu của con dâng cho Chúa sẽ lớn dần
Ánh sáng của Chúa trong con sẽ sáng tỏa.

Lậy Chúa, giấc mơ của con ngày hôm nay,
Chỉ là dáng dấp của giấc mơ Chúa dành cho con,
Nếu như con chỉ đi theo Chúa.

Lậy Chúa, niềm vui con cảm nhận được hôm nay,
Chỉ là hình bóng của niềm vui Chúa dành cho con,
Chỉ có một hình bóng đáng kể
Khi con được giáp mặt đối mặt."

Từ bản thánh ca này, Mẹ đi tới những phát biểu thật sống động và trung thực,
(ML. tr. 98).

Thánh Thể đã trở thành nguồn lực sức mạnh chính yếu của các tu sĩ Thừa Sai Bác Ái. Và vào năm 1976 Mẹ Têrêsa như một con người thấu thị được hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới, Mẹ đã thiết lập ngay tại Nữu Ước cơ sở tu trì theo đời sống chiêm niệm và các nữ tu được gọi bằng cái tên "Các Chị em Ngôi Lời" (Sisters of The Word). Các nữ tu trở thành những người chuyên chở, thông đạt, chia sẻ Lời Chúa phải được nói đúng lúc cho thời đại để sáng soi, để hướng dẫn, để kiên vững, để thôi thúc con người tiếp tục trong chuyến hành hương về miền Đất Hứa. Các nữ tu trở thành những tu sĩ của Lời Nhập Thể cùng với Chúa Giêsu đi vào đời thông đạt Tin Mừng. Lời Thiên Chúa trở thành nguồn lực sức mạnh chính yếu thứ hai cho các tu sinh Dòng Thừa Sai Bác Ái. Lời Thiên Chúa phải được chiêm niệm, suy niệm thấu đáo để trở thành sức mạnh vạn năng và sau đó đi vào đời để cứu độ đời.

Như vậy Dòng Thừa Sai Bác Ái được thiết lập thêm một ngành thứ hai: dòng chiêm niệm. Chiêm niệm và hoạt động trở thành hai mặt của một bàn tay: dòng Thừa Sai Bác Ái. Hai sức mạnh này bổ xung cho nhau, hỗ trợ nhau, gây nhiệt hứng cho nhau và làm giầu cho nhau. Một tu sĩ hay cộng sự viên của Mẹ phải là một người sống được cả hai nếp sống xem ra tương phản này.
Được hỏi lý do tại sao Mẹ không thiết lập nhà dòng chiêm niệm này tại Ấn Độ, một xứ sở của huyền bí, mà lại tại Hoa Kỳ, xứ sở của ồn ào, uế tạp. Mẹ bình thản nhận định, "Tại Hoa Kỳ, quý vị có một xã hội vô vàn giầu sang, mỗi ngày mỗi trở thành vật chất và bi quan. Nhưng đồng thời cũng có dòng thủy triều tôn giáo mãnh liệt, một ngưỡng vọng nhận thức Thượng Đế; hàng ngàn người trẻ tìm về Á Đông truy tầm một thứ kinh nghiệm khải ngộ tôn giáo. Họ gia nhập các nhóm Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tại Hoa Kỳ, các tôn giáo Đông Phương đang được mùa thiết lập các trung tâm cầu nguyện và suy niệm. Tinh thần chân thành chiêm niệm của Công giáo chính là một kiếm tìm Thiên Chúa trong trầm lặng, khiêm tốn, yên tĩnh, trong một thái độ nghèo khó, từ bỏ mình mà hiện nay Chúa Thánh Linh đang thu hút nhiều người" (MTC, tr.314).

Sau những giờ phút cầu nguyện và chiêm niệm Thánh Thể và Lời Chúa, các tu sinh và các cộng sự viên của Mẹ xuống phố chia sẻ kho tàng vô tận mình đã kín múc được từ Chúa Kitô. Các tu sĩ đi theo Chúa Kitô, Vị Thiên Chúa nhập thể để chính mình cũng trở thành Lời đi vào đời và cứu đời. Các tu sĩ đang thể hiện lời Thánh Gioan và Phêrô khi đứng trước những người ăn mày què quặt,

Không những các tu sĩ đi tìm gặp những người nghèo khổ nhất, nhưng hơn thế còn mời họ tới chia sẻ đời sống tu trì, "Những người nghèo khổ nhất trong những người khốn khổ thuộc đủ mọi giai cấp, mọi tôn giáo được chúng tôi mời tới chỗ chúng tôi ở, để sám hối và canh tân cuộc sống của chính họ và những người láng giềng, nhờ đào sâu kiến thức và yêu mến Thượng đế dưới ánh sáng Lời Chúa, trong thanh lặng, cầu nguyện và sám hối" (MTC, tr. 317).

Thánh Thể và Lời Tin Mừng trở thành lương thực hàng ngày nuôi dưỡng Mẹ và các cộng sự viên của Mẹ và từ đó trở thành sức mạnh vạn năng đi vào yêu thương và phục vụ đời. Bí quyết thành công của Mẹ và Dòng Thừa Sai Bác Ái phát xuất từ hai nguồn thần lực diệu huyền này. Mẹ và các cộng sự viên của Mẹ thực sự trở thành những bó đuốc niềm tin rực sáng giữa cõi trần thế u trọc này. Không còn con đường nào khác sáng chiếu niềm tin, rao giảng niềm tin và truyền đạt niềm tin hữu hiệu bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ của chính mình. Những người nghèo khổ, những kẻ bất hạnh, những ai lạc lõng cô đơn chính là những cơ hội để các Kitô hữu thể hiện niềm tin sống động của chính mình. Yêu tha nhân và đi vào phục vụ tha nhân càng nhiều, chứng tỏ con người đó rực sáng niềm tin. Và ngược lại, hờ hững, quay mặt, hoạt động hình thức và khoe mẽ, chính là những ngọn đèn leo loét chẳng đủ sức thắp sáng niềm tin cho chính mình và cho người khác.

CẦU NGUYỆN KHỞI ĐỘNG TỪ GIA ĐÌNH

Hoàng Quý đúc kết

Hơn ai hết, Mẹ Têrêsa đã sống và được giáo dục trong một gia đình đạo đức và hạnh phúc. Nơi đây thực sự trở thành cái nôi thể xác và tinh thần của Mẹ. Bài học nền tảng đạo đức do gia đình tác tạo đã để lại trong tâm khảm Mẹ những hình ảnh không khi nào nhạt nhòa. Hình ảnh nổi bật nhất, phải chăng không phải là bầu khí của một gia đình sống niềm tin thâm sâu và mãnh liệt? Phải chăng niềm tin của gia đình này không được thể hiện bằng những giờ phút cầu nguyện và bằng những công tác từ thiện bác ái? Cầu nguyện trở thành trung tâm xuất phát ”hành quân” cho những hoạt động tông đồ, và trong đó hoạt động yêu thương tha nhân là nổi bật nhất.

Mẹ Têrêsa đã học hỏi rất nhiều từ gia đình mẫu mực nhất: gia đình Nagiarét. Nơi đây là trung tâm của yêu thương, của hạnh phúc. Chúa Giêsu đã chọn con đường cứu thế bằng con đường khởi đi từ gia đình, thế thì tại sao chúng ta lại không đi theo con đường Ngài đã đi?
“Chúa Giêsu đã sinh trưởng trong một gia đình và Ngài ở lại Nagiarét trong suốt ba mươi năm. Ngài đến cứu độ thế giới, tuy nhiên Ngài đã trải qua ba mươi năm tại Nagiarét để làm những công việc tầm thường của một con người bình thường.

Người ta đã chẳng thường nói, 'Nhưng hắn ta là con lão thợ mộc Giuse kia mà! Làm sao hắn làm được chuyện này...? Hắn là con bà Maria, chúng tao biết hắn mà...'
Ngài sống suốt ba mươi năm chỉ để sống nếp sống gia đình.
Các Ngài phải cầu nguyện chung với nhau.
Các Ngài phải làm việc chung với nhau.
Các Ngài phải yêu thương nhau.

Phải, đó là một cuộc sống gia đình thực sự.
Nơi đó có an bình!
Nơi đó có hiệp nhất!
Nơi đó có vui tươi!
Các con hãy đem cầu nguyện trở lại nếp sống gia đình các con, và các con cũng sẽ nhìn thấy sự hòa hợp này, tình yêu thương an vui chan chứa sẽ nối kết các con lại với nhau. Có lẽ vẫn có cảnh nghèo khổ trong gia đình các con. Nhưng biết chia sẻ với nhau, yêu thương nhau sẽ giúp đỡ các con rất nhiều” (LJ, tr. 107-108).

Cầu nguyện với Mẹ Têrêsa trở thành nền tảng cho đời sống Kitô hữu. Và nền tảng này được khởi động từ đâu, nếu không phải từ gia đình. Tư tưởng của Mẹ sau đây về cầu nguyện trở thành phổ cập hiện nay,
“Từ nơi đâu tình yêu khởi nguồn?
Từ gia đình chúng ta.
Và tình yêu ấy khởi nguồn như thế nào?
Nhờ cầu nguyện chung với nhau.
Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau, gia đình đó tồn tại bên nhau.
Và nếu các con sống chung với nhau, các con sẽ yêu thương nhau như Chúa Giêsu yêu mỗi người trong gia đình các con” (LJ, tr. 14).

Mẹ Têrêsa còn coi Mái Nhà Tạm như một mái gia đình. Nơi đây, như một gia đình, Chúa Giêsu dạy dỗ chúng ta bài học yêu thương và cầu nguyện cụ thể và hữu hiệu nhất,
“Khi chúng ta nhìn lên Nhà Tạm, giờ đây chúng ta biết được Ngài yêu thương chúng ta tới mức độ nào. Đó là lý do thật quan trọng cho chúng ta phải học hỏi cầu nguyện, nếu chúng ta muốn thực sự yêu thương và được yêu thương. Hãy dậy bảo con cái chúng ta cầu nguyện. Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện chung với chúng” (LJ, tr.79).


NHỮNG KINH NGUYỆN CỦA MẸ TÊRÊSA

Mẹ Têrêsa đã cống hiến cho chúng ta những kinh nguyện thật thâm sâu và cảm kích. Những lời nguyện của Mẹ phát xuất từ những rung động, những cảm nghiệm giữa cuộc sống để dâng lên Chúa những tâm tình, những suy tư, những trao đổi của một người con đầy chân thành. Làm thế nào để ”Lời cầu nguyện mở rộng trái tim chúng ta cho tới khi chúng ta có khả năng chứa đựng chính Ngài là tặng phẩm. Các con hãy xin và hãy kiếm tìm và trái tim các con sẽ rộng mở đủ để tiếp nhận Ngài và giữ Ngài lại như của riêng các con” (PWMT, tr. 9),

"Ôi lạy Chúa, con tin Chúa đang hiện hữu nơi đây.
Chúng con tôn thờ và yêu mến Chúa với tất cả trái tim và tâm hồn, vì Chúa là người xứng đáng nhất của tất cả tình yêu chúng con.
Chúng con ao ước yêu mến Chúa như Chúa được mến thương trên Thiên đàng.
Chúng con tôn thờ mọi Thánh Ý Chúa quan phòng và chúng con hoàn toàn phó thác nơi Thiên Ý.
Chúng con cũng yêu thương những người chung quanh vì Chúa, như chúng con yêu thương chính mình.
Chúng con chân thành thứ tha tất cả những ai xúc phạm chúng con và xin lỗi tất cả những ai chúng con gây thương tổn.

Lạy Chúa Giêsu thân ái, xin giúp chúng con lan tỏa hương thơm của Chúa trên mỗi bước đường chúng con đi tới.
Xin hãy đổ tràn ngập tâm hồn chúng con tinh thần và sức sống Chúa.
Xin Chúa xâm nhập và chiếm hữu toàn thân chúng con, thật trọn vẹn,
Để cuộc sống chúng con chỉ còn là tỏa chiếu chính Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con và trong chúng con,
Để với từng tâm hồn chúng con giao tiếp sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa nơi tâm hồn chúng con.
Xin để họ kiếm tìm và đừng nhìn xem chúng con nữa, nhưng chỉ một mình Giêsu thôi!
Xin hãy ở lại với chúng con để chúng con bắt đầu sáng chiếu như Chúa chiếu sáng;
Để chúng con soi chiếu như ánh sáng cho mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, ánh sáng ấy tất cả đều xuất phát nơi Chúa và không một ánh sáng nào là của chúng con;
Chính Chúa là ánh sáng soi chiếu cho người khác qua chúng con.
Như vậy xin để chúng con ca tụng Chúa theo cách thức Chúa yêu thương nhất, nhơ ø chiếu sáng nơi những người sống chung quanh chúng con.
Xin cho chúng con rao truyền Chúa, không phải bằng lời nói, nhưng bằng gương mẫu của chúng con.
Nhờ tận dụng sức lực, chúng con sẽ gây được ảnh hưởng thiện cảm,
Để dâng hiến Chúa tình yêu tràn đầy rỡ ràng nơi trái tim chúng con. Amen” (ASP, tr. 36).
* * *

“Lạy Chúa Giêsu,
Xin hãy giải thoát con,
Khỏi ham muốn được yêu,
Khỏi ham muốn được ca tụng,
Khỏi ham muốn được vinh danh,
Khỏi ham muốn được ca ngợi,
Khỏi ham muốn được yêu thích hơn,
Khỏi ham muốn được bàn hỏi,
Khỏi ham muốn được chấp thuận,
Khỏi ham muốn được nhiều người biết tới,
Khỏi lo sợ bị hạ nhục,
Khỏi lo sợ bị khinh khi,
Khỏi lo sợ bị khiển trách,
Khỏi lo sợ bị vu khống,
Khỏi lo sợ bị quên lãng,
Khỏi lo sợ bị xử bất công,
Khỏi lo sợ bị diễu cợt,
Khỏi lo sợ bị nghi ngờ”
(ASP, tr. 37-38).

"A SIMPLE PATH”, CUỐN SÁCH NỔI TIẾNG CỦA MẸ TÊRÊSA

Hoàng Quý đúc kết

Nhà xuất bản Ballantine Books tại Nữu Ước đã tung ra thị trường năm 1996 cuốn sách mà bao người từng chờ đợi viết về một nữ tu nổi tiếng nhất thế giới hiện nay: Mẹ Têrêsa Calcutta. Đã có cả hàng trăm cuốn sách viết về người nữ tu ưu tú này của nhân loại trên khắp thế giới, nhưng đây là cuốn sách viết có hệ thống nhất về đường lối tu đức và phương pháp hoạt động xã hội hữu hiệu của nhân vật lừng danh này. Cuốn sách mang tựa đề: ”A Simple Path” (Lối đường giản dị). Từ trước tới nay, chưa một cuốn sách nào Mẹ Têrêsa giữ bản quyền. Đây là lần đầu tiên Mẹ giữ bản quyền.

Nếu ”Chuyện một tâm hồn” của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và cuốn ”Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng” của Giáo Chủ Gioan Phaolô II đã trở thành những cuốn sách lừng danh nhất thế giới, thì cuốn sách ”Lối Đường Giản Dị” của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng sẽ đi vào lịch sử nhân loại như một tuyệt tác phẩm.

Franca Zambonini, ký giả nổi tiếng người Ý, sau bao cuộc phỏng vấn và khảo sát tận mắt những hoạt động xã hội của Mẹ Têrêsa, đã nhận định thật xuất sắc về Mẹ trong cuốn 'Teresa of Calcutta' như sau,

“Mọi người đều biết Agnes Bojaxhiu, một người Albani mảnh khảnh và nhân hậu mang tên Mẹ Têrêsa Calcutta, là một nữ tu nổi danh nhất thế giới. Vừa huyền bí lại vừa thực tiễn, vừa kinh bang tế thế lại vừa tu trì khổ hạnh. Mẹ đã trở thành một biểu tượng phổ cập của đức bác ái Kitô giáo và là nhà vô địch cứu giúp người nghèo khổ trên khắp thế giới. Những danh tiếng lẫy lừng này không đến với Me,ï nếu như Mẹ đã không phải trả giá bằng bao khổ đau chất chồng và sống đời hy sinh. Vào tuổi đời 18 tươi đẹp nhất, Mẹ đã bước chân vào dòng Nữ Loreto tại Ái Nhĩ Lan với hoài bão xác định phải trở thành nhà truyền giáo. Rồi được gửi tới Ấn Độ, Mẹ đã trải qua 20 năm trong bầu không khí êm đềm của một trường nữ tư thục. Tại đây Mẹ đã dậy môn địa dư và giáo lý cho các gia đình trưởng giả tại Entally, Calcutta.

Khi nghe thấu những tiếng kêu gào của những người nghèo khổ, Mẹ nhận ra tiếng Chúa Kitô kêu mời đi theo ”ơn kêu gọi trong một ơn gọi” (Vocation within a vocation). Và không một chút nghi ngại, Mẹ đã đáp lại tiếng gọi với đầy quảng đại như một dấu ấn cho suốt cuộc đời. Mẹ dời bỏ tu viện nơi đầy đủ các tiện nghi và được che chở, để khởi đầu phóng mình vào đời thi hành mục vụ lo cho những người nghèo khổ nhất trong những người nghèo khổ trên đường phố và trong những hang cùng ngõ hẻm khắp thế giới: săn sóc những người hấp hối, phong cùi, mang bệnh AIDS, những trẻ em bị bỏ rơi và cả những kẻ đang ngồi tù. ”Danh tiếng” chỉ đến với Mẹ sau hơn ba mươi năm thi hành nhiệm vụ tông đồ âm thầm với đầy bạc bẽo. Mẹ đã được nhìn nhận như một ”Vị Thánh Sống”, một ”cây viết chì” mà Thiên Chúa đang sử dụng để viết bản tình ca của Ngài cho những kẻ bị tước quyền sống và nghèo khổ trong thời đại chúng ta.”

Cuộc sống và hoạt động tông đồ của Mẹ Têrêsa được tác động nhiều nhất nhờ con đường thơ ấu của Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và thái độ sống hiến thân đi tìm kiếm những người phong cùi cùng khổ nhất của Chân phước Đamiêng. Thánh Phanxicô thành Assisi cũng là Vị Thánh ảnh hưởng nhiều trên Mẹ Têrêsa.
Lucinda Vardey, người thu thập tài liệu viết thành cuốn sách ”Lối đường giản dị” này đã nhận định,

“Thánh Phanxicô đã cống hiến một cái nhìn tươi mát về đời sống Kitô giáo bằng cách sống như người hành khất, tin tưởng vào Chúa Quan phòng, và đi theo sát lời giáo huấn của Tin Mừng... Cuộc đời Mẹ cũng có nhiều điểm tương đồng với Thánh Phanxicô. Lối đường của Mẹ cũng phải đi ngang qua nghèo khó, đơn sơ và dính liền với các giáo huấn của Chúa Kitô... Mẹ đang rao giảng một thứ tình yêu và an bình phải đi vào hành động trong một thế giới còn thiếu thốn những nhà lãnh đạo nữ giới vững mạnh và từ một trong những thành phố rộng lớn nhất, nhưng lại nghèo khổ nhất và ô nhiễm nhất Á Châu.” (Mother Teresa, A Simple Path, p. xviii, Ballantine Books, New York, 1995).

Chính nhờ những tấm gương trong sáng này mà Mẹ đã khai mở Lối Đường Giản Dị cho chính Mẹ và Tu Hội Thừa Sai Bác Ái như một Linh Đạo thành công trong đại cuộc đồng cứu thế với Đức Kitô trong suốt hậu bán kỷ nguyên 20. Mẹ thực sự đã trở thành một Gioan Tiền Hô dọn đường cho Chúa Cứu Thế đi vào lòng đời khốn khổ nhất và đánh động tâm thức những người còn đứng ngoài công cuộc cứu thế này của Chúa Kitô.

Tác giả Eileen Egan đã ghi lại lời Mẹ tóm kết ơn gọi và sứ mệnh của Mẹ như sau trong cuốn sách nổi danh 'Such a Vision of the Street': ”Công việc duy nhất phải làm chính là nói lên hai chữ 'Xin Vâng'. Sứ điệp của tôi hoàn toàn trong sáng - Tôi phải từ bỏ tất cả mọi sự và đi theo Chúa Giêsu vào trong các hang cùng ngõ hẻm - để phục vụ Ngài nơi những người nghèo khổ nhất trong các người cùng khổ. Tôi biết đó chính là ý muốn của Ngài và tôi chỉ còn một công việc phải làm là bước đi theo Ngài. Tôi không nghi ngờ đây chính là công việc của Ngài. Tôi phải giã từ tu viện và làm việc với những người cùng khổ và sống giữa họ. Đây chính là một mệnh lệnh.”

Con đường Mẹ và Tu hội của Mẹ đã đi và đang đi thật giản dị, khác hẳn với những con đường tu đức trước đây xem ra có vẻ phức tạp và khó khăn. Con đường của Mẹ từ khởi điểm tới đích điểm trải qua sáu chặng đường, mà chặng đầu tiên chính là Thinh lặng, được diễn tả như sau:

Thành quả của THINH LẶNG là CẦU NGUYỆN
Thành quả của cầu nguyện là TIN TƯỞNG
Thành quả của tin tưởng là YÊU THƯƠNG
Thành quả của yêu thương là PHỤC VỤ
Thành quả của phục vụ là AN BÌNH

Nói một cách, ai muốn tìm thấy an bình và hạnh phúc cho đời mình, cũng cần bước theo Mẹ khởi đầu từ đi vào thinh lặng hồi tâm để cầu nguyện. Từ đó chúng ta sẽ thấy niềm tin của mình vươn dậy để đi vào yêu thương và phục vụ những người cùng khổ. Hoặc chúng ta sẽ khởi hành từ các công tác phục vụ những người bất hạnh để từ đó tìm tới thinh lặng, cầu nguyện, tin tưởng, yêu thương và đạt tới đích điểm là nguồn an bình trong Chúa Kitô và anh em đồng loại.

Lối đường giản dị trải qua sáu chặng vừa rồi được tóm kết lại trong công thức: TÌNH YÊU ĐI VÀO HÀNH ĐỘNG (Love in action). Được gọi là con đường, con đường ấy phải đi tới chứ không phải để dừng chân an nghỉ. Được gọi là tình yêu, tình yêu ấy phải đi vào hành động cụ thể chứ không thể dừng lại trên môi mép giả tạo. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu ấy đã nhập thế, nhập thể để thực sự đi đến yêu thương mỗi con người chúng ta. Và đến lượt chúng ta, tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và con người, cũng phải là tình yêu đi vào những hành động phục vụ cụ thể.

Và quả thực suốt gần 50 năm qua Mẹ và các Cộng sự viên của Mẹ đã trung tín đi theo lối đường giản dị này mà L. Vardey đã diễn tả thật chính xác như Mẹ đã ôm ấp ”một đức tin siêu đẳng và một tầm nhìn phi thường.” Mẹ đã từ biệt tu viện trong bầu không khí an bình và êm ấm để chấp nhận đi lang thang vào đời với hai bàn tay trắng và một trái tim hoàn toàn phó thác nơi Chúa Quan phòng. Mọi tiến triển trong nếp sống thánh thiện của Mẹ được chính Mẹ công nhận, ”đời mẹ tùy thuộc nơi Thiên Chúa và chính mẹ - nơi Ơn Thánh Chúa và ý chí của mẹ. Và bước đầu tiên tiến tới đó, chính là người ta phải biết muốn điều đó.”

Sống thánh thiện với Mẹ chính là biết sống quân bình giữa nếp sống tràn đầy cầu nguyện, suy niệm với cuộc sống thực tiễn của một tình yêu đi vào hành động. Mẹ và các cộng sự viên của Mẹ tận dụng mọi giây phút để cầu nguyện, đồng thời lúc nào cũng bận bịu với công việc săn sóc những người nghèo khổ và tật bệnh.

Rất nhiều tác giả đã viết về đường hướng tu đức và những hoạt động bác ái của Mẹ. Riêng Việt Ngữ, Hoàng Quý và Thanh Hiền đã trình bầy Mẹ qua hai cuốn sách ”Mẹ Têrêsa, Biểu tượng của tình thương”, tập 1 và 2. Và sau đó chúng tôi viết phỏng cuốn ”Lối đường giản dị,” ø cuốn sách đầu tiên mang tên Mẹ như là tác giả và được trình bầy một cách có hệ thống nhất về linh đạo của Mẹ. Chắc chắn cuốn sách này sẽ là cuốn sách ”để đời” của Mẹ và đáng được mọi người nghiền ngẫm, nhất là những ai nắm giữ vai trò lãnh đạo, cán bộ trong các tổ chức, các đoàn thể Thiên Chúa giáo.

Vì cuốn sách này Mẹ Têrêsa đứng tên bản quyền, do đó chúng tôi mới chỉ làm công tác dựa theo 'khung bài' của tác phẩm này và từ đó đúc kết tương đối có hệ thống các tư tưởng của Mẹ và của các cộng sự viên, nằm bàng bạc trong các tác phẩm viết về Mẹ của các tác giả. Và cuốn sách này chúng tôi đặt tên là CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG, vì cả cuộc đời và hoạt động của Mẹ cũng như của các cộng sự viên bắt nguồn từ YÊU THƯƠNG, đi trong YÊU THƯƠNG và kết thúc bằng YÊU THƯƠNG. Con đường Mẹ đã đi chỉ là con đường mòn giản dị YÊU THƯƠNG.

Sau đây, chúng tôi xin trình bầy về chặng đường then chốt trong ”Lối đường giản dị” của Mẹ: CẦU NGUYỆN.

THÀNH QUẢ CỦA THINH LẶNG LÀ CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện đã trở thành một yếu tố quyết liệt trong đường lối tu đức và mục vụ của Mẹ Hầu như cuốn sách nào viết về Mẹ của các tác giả đều đề cập tới cầu nguyện như một bí quyết, một giáo huấn chính yếu của Mẹ. Ngày kia, một ký giả hỏi Mẹ, ”Thưa Mẹ Têrêsa , Mẹ yêu thương những người mà bao người coi họ như những đồ hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết yêu thương của Mẹ?” Mẹ trả lời: ”Bí quyết của tôi thật giản dị: Tôi cầu nguyện.” (Eileen Egan, Prayertimes with M., Doubleday, 1989, tr.1)

Mở đầu cho cuốn sách nổi tiếng này, Mẹ mời gọi mọi người hãy tìm đến thinh lặng và suy niệm, nhất là những ai đang sống giữa môi trường thành thị ồn ào, uế tạp, trong một nếp sống xoay vần quá mau lẹ. Càng bận rộn, càng ồn ào, con người càng cần tìm đến thanh lặng và chiêm niệm: ”Mẹ cảm thấy thinh lặng và chiêm niệm trở thành cần thiết hơn nơi các thành thị của thế giới” (A Simple Path, Ballantine Books New York, 1995, tr.7). Chính vì thế, thay vì thiết lập nhà dòng cho các nữ tu chiêm niệm (đi theo ơn gọi cầu nguyện thật nhiều mỗi ngày) tại dẫy Himalayas thanh vắng, Mẹ đã thiết lập nhà này ngay tại thành phố ồn ào nhất thế giới: thành phố New York.

Lối đường tu đức của Mẹ thật giản dị và Mẹ cũng trình bầy thật giản đơn. Cầu nguyện trở thành lương thực và sức mạnh chính yếu cho Mẹ cũng như cho các cộng sự viên, ”Mẹ luôn luôn bắt đầu cầu nguyện trong thanh lặng, vì chính nơi thanh vắng của con tim, Thiên Chúa đến nói chuyện. Thiên Chúa là người bạn lòng của thanh lặng - chúng ta cần lắng nghe Ngài, vì điều đáng kể không phải là những gì chúng ta nói, nhưng là những điều Chúa nói với chúng ta và qua chúng ta. Cầu nguyện nuôi dưỡng tâm hồn - như máu nuôi dưỡng thể xác, cầu nguyện nuôi dưỡng tâm hồn - và đem các con đến gần Chúa hơn. Cầu nguyện còn thanh tẩy và làm tinh tuyền trái tim các con. Trái tim trong sạch có thể nhìn ra Chúa, có thể nói chuyện với Ngài và có thể nhận diện ra tình yêu Ngài nơi những người khác” (Id. tr. 7).

Muốn đi tìm Chúa và tìm ra những câu giải đáp cho những chuyện nan giải và đau thương, người ta có thể tìm ra Ngài ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, bằng bắt đầu cầu nguyện. Không phải chỉ đến thánh đường hoặc nguyện đường người ta mới có thể cầu nguyện. Cầu nguyện ngay tại nơi mình đang làm việc, nơi mình nghỉ ngơi, nơi mình lo nghĩ. Cầu nguyện không gì khác hơn là kể cho Chúa nghe mọi chuyện xẩy đến với mình như một người con thơ nói chuyện với cha mình. Và như vậy, ”Chúng ta phải đặt tất cả tín thác nơi Ngài, yêu mến Ngài, tin tưởng nơi Ngài và làm việc cho Ngài. Và nếu cầu nguyện, chúng ta sẽ nhận được những câu giải đáp cần thiết.” (Id. tr.8).

Trong cuốn sách này, không những chỉ bao gồm các tư tưởng tu đức của Mẹ, nhưng còn thu thập cả những tư tưởng của các cộng sự viên thân thiết của Mẹ. Nữ tu Dolores nhận thức chân thực mình chẳng thể làm việc xã hội được, ngay một nửa giờ thôi, nếu không có cầu nguyện. Chính nhờ cầu nguyện, chị đã tìm được sức mạnh nơi Chúa, ”Mỗi sáng thức dậy, các nữ tu nhận thấy đôi khi công việc thật khó khăn để có thể vượt qua thì cầu nguyện đã đem đến cho các nữ tu sức mạnh - cầu nguyện duy trì, nâng đỡ và đưa đến niềm vui phải hoàn thành những gì chúng tôi cần làm. Chúng tôi bắt đầu một ngày bằng cầu nguyện, bằng Thánh lễ và chúng tôi kết thúc một ngày bằng giờ Chầu Thánh Thể trước Chúa Giêsu. Chúng tôi liên tục cần đến cầu nguyện và ơn Chúa, nếu không, chúng tôi chẳng thể sống được” (Id. 8).

Trong những hoạt động xã hội giúp các người nghèo khổ thật đa dạng, bận rộn và mệt nhọc, chắc chắn sức con người làm việc thiện nguyện không thể kéo dài được lâu. Sức mạnh giúp các nữ tu bền bỉ suốt hơn 60 năm trời, chính nhờ cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, sơ Charmaine Jose đã xả thân cho các công tác xã hội như những hiến thân ”hoàn toàn làm việc cho Chúa và chúng tôi hạnh phúc được hoạt động như thế” (Id tr. 9).

Các nữ tu Thừa Sai Bác Ái phát biểu về cầu nguyện không như một mớ lý thuyết trừu tượng, thuộc lòng, nhưng bằng cảm nghiệm sống và xác tín thực sự theo gương Mẹ. Nữ tu Kateri, Bề Trên một nhà tại Bronx, New York diễn tả cầu nguyện thật cụ thể và cũng thật thâm sâu, ”Điều quan yếu nhất mà mỗi người có thể làm chính là cầu nguyện, vì chúng ta đã được Thiên Chúa tạo dựng và trái tim chúng ta bất ổn cho tới khi nghỉ an trong Chúa. Chính nhờ cầu nguyện, chúng ta đi vào giao tiếp với Chúa... Tôi thường chia sẻ điều này với các phạm nhân trong tù. Tôi trình bầy cho họ một thí dụ: Nếu ông lên đường du hành, điều gì cần thiết với ông? Và một người trả lời, 'Sơ cần một chiếc xe và xăng nhớt'. Xăng nhớt chính là cầu nguyện, chiếc xe là đời sống, chuyến du hành nhắm tới thiên đàng. Ông đã phải có bản đồ và biết nơi nào mình muốn đi tới chứ! Điều tôi thực sự muốn nói là xăng nhớt của cuộc đời chúng ta chính là cầu nguyện. Nếu thiếu sót, chúng ta không thể đạt tới đích điểm và chúng ta cũng chẳng thể đạt tới viên mãn con người chúng ta được.” (Id tr.9)

CẦU NGUYỆN CHÍNH LÀ TIẾP XÚC VỚI CHÚA

“Cầu nguyện là niềm vui
cầu nguyện là yêu thương
cầu nguyện là an bình.
Các con không thể cắt nghĩa được cầu nguyện
các con phải cảm nghiệm cầu nguyện.
Đó không phải là điều không thể làm được.
Chúa ban điều ấy cho những ai kêu xin.
'Hãy xin, các con sẽ được.'
Người cha biết phải cho con cái những gì
- và Cha trên trời của chúng ta còn biết nhiều hơn thế nữa.”
(Words to Love by M., Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana, 1983, tr.39).

Cách thức cầu nguyện của Mẹ thật giản dị: cầu nguyện chính là một lần giao tiếp, một lời chuyện vãn với Chúa như một em bé nói chuyện với cha mình. Và như vậy cầu nguyện là những gì Mẹ vừa nói với chúng ta ở câu trên. Hãy đi vào thực hành, vào cảm nghiệm cầu nguyện, lúc đó chúng ta mới thấu hiểu được thế nào là cầu nguyện. Và Mẹ hướng dẫn chúng ta tiếp,

“Hãy bắt đầu và kết thúc một ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như một em bé. Nếu các con cảm thấy khó cầu nguyện, các con có thể thưa với Chúa, 'Xin Thánh Thần hãy đến, hướng dẫn con, chở che con, khai quang trí khôn con để con có thể cầu nguyện.' Hoặc nếu muốn cầu nguyện với Mẹ Maria, các con có thể thân thưa, 'Mẹ Maria ơi, Mẹ là mẹ Thiên Chúa, bây giờ xin Mẹ hãy là mẹ con và giúp con cầu nguyện.'

Khi cầu nguyện, các con hãy cám ơn Chúa về tất cả những quà tặng Ngài ban, vì tất cả đều là sở hữu của Ngài và phát xuất từ Ngài. Linh hồn các con là quà tặng của Thiên Chúa. Nếu các con tín thác nơi Chúa và khi ấy sức mạnh của cầu nguyện sẽ thắng lướt mọi cảm xúc nghi nan, lo sợ và cô độc mà hiện nay bao người đang chìm ngập.” (A simple Path, tr. 13).

Đi xa hơn nữa, để cảm nghiệm được niềm vui, yêu thương và an bình trong tâm hồn, mẹ đề nghị chúng ta hãy thử nghiệm cầu nguyện bằng Xưng tội để nói với Chúa lời 'Con xin lỗi Chúa'. Qua Bí tích Cáo Giải, Chúa đổ tràn đầy yêu thương và an vui cho những người con biết trở về và xin lỗi Ngài.

Mẹ còn đề nghị chúng ta tập thói quen hàng đêm trước khi đi ngủ hãy dành ra đôi ba phút để “Kiểm Thảo Lương Tâm” hay "Kiểm Điểm Đời Sống". ”Bất cứ khi nào các con bối rối hoặc bất cứ các con sai phạm một điều gì, các con cần sửa chữa điều đó.” (Id, tr. 14). Chúng ta hãy biết xin lỗi Chúa. Hành vi đó quan trọng vì đó là một lần hối hận, một cử chỉ yêu thương. ”Lạy Chúa, con hối tiếc vì đã xúc phạm đến Chúa một lần nữa và con hứa với Chúa con sẽ cố gắng không tái phạm.”
Cầu nguyện còn là một lần chuyển hoán tâm hồn ”Các con hãy thay đổi trái tim các con... Nếu không chuyển đổi trái tim, các con sẽ không được hoán cải. Và làm thế nào chúng ta thay đổi được chính mình? - Bằng cầu nguyện” (Words to Love, tr. 38).

Cầu nguyện còn là một lần mở cửa con tim về cao cả để tiếp nhận Chúa và giữ lấy Chúa như một quà tặng cho chính mình. Từ đó chúng ta có thể mở rộng con tim đón tiếp người khác cũng như tha thứ cho những gì người khác xúc phạm đến chúng ta.